COVID-19 có thể dẫn đến gia tăng các ca tử vong do bệnh truyền nhiễm

Các chuyên gia chỉ ra rằng các tác động của đại dịch có thể nghiêm trọng nhất ở các nước thu nhập thấp và trung bình, nơi các hệ thống y tế kém mạnh mẽ và dự trữ kinh tế bị hạn chế hơn.

  

Nghiên cứu mới đã thu hút sự chú ý đến hiệu ứng mà COVID-19 có thể gây ra đối với sự phát triển của các bệnh truyền nhiễm khác.

Các chuyên gia trên khắp thế giới cho rằng, đại dịch COVID-19 có tác động đáng kể đến xã hội. Điều này bao gồm không chỉ bệnh tật và tử vong do chính căn bệnh gây ra mà còn cả hậu quả kinh tế của việc đóng cửa toàn cầu và gián đoạn đối với các dịch vụ thiết yếu.

Các chuyên gia chỉ ra rằng các tác động của đại dịch có thể nghiêm trọng nhất ở các nước thu nhập thấp và trung bình, nơi các hệ thống y tế kém phát triển và dự trữ kinh tế bị hạn chế hơn.

Một mối quan tâm đặc biệt là tác động của đại dịch đối với các quốc gia có gánh nặng bệnh truyền nhiễm cao, như HIV và bệnh lao (TB), phụ thuộc vào các chương trình kiểm soát và điều trị quy mô lớn, thường xuyên.

COVID-19 có thể dẫn đến gia tăng các ca tử vong do bệnh truyền nhiễm - 1

Phá vỡ các dịch vụ y tế

Một nghiên cứu được công bố trên Lancet Global Health đã mô hình hóa tác động của sự gián đoạn gây ra bởi COVID-19, ước tính rằng tử vong do HIV, lao và sốt rét có thể tăng trong 5 năm tới do COVID-19 và trong trường hợp xấu nhất, có thể xảy ra ở quy mô tương tự như tác động trực tiếp của đại dịch.

Cụ thể, sự gián đoạn đối với các dịch vụ y tế do COVID-19 gây ra có thể làm tăng 10% số ca tử vong do HIV, 20% tử vong do bệnh lao và 20% tử vong do sốt rét trong 5 năm tới. Tác động thay đổi tùy theo sự gián đoạn đối với các hoạt động và sự thành công của các can thiệp trong việc giảm truyền COVID-19.

Mô hình dự đoán rằng tác động đáng kể nhất đối với HIV sẽ là sự gián đoạn trong việc cung cấp điều trị bằng thuốc kháng vi-rút do nhu cầu cao đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe. Để chống lại điều này, các nhà nghiên cứu đề nghị cho người bệnh nhiều đơn thuốc cùng một lúc hoặc đưa thuốc đến nhà của họ.

Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng sự gián đoạn trong chẩn đoán và điều trị có khả năng có tác động đáng kể nhất đối với các trường hợp mắc lao.

Mô hình dự đoán rằng sự gián đoạn trong việc cung cấp màn chống muỗi có thể làm tăng các ca sốt rét.  Các chiến dịch theo kế hoạch thường diễn ra cứ sau 3 năm và nếu không có điều này, số ca tử vong do sốt rét có thể tăng 36% trong 5 năm tới.

Nhiều lợi ích đạt được trong việc kiểm soát sốt rét trong thập kỷ qua là do sự phân phối màn tẩm thuốc kéo dài ở châu Phi hạ Sahara, nơi phần lớn các ca tử vong do sốt rét xảy ra. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 có thể sẽ phá vỡ, làm gián đoạn sự phân phối này vào năm 2020, dẫn đến nhiều ca tử vong do sốt rét hơn. Tiến sĩ Alexandra Hogan từ Đại học Hoàng gia Luân Đôn tại Vương quốc Anh, đồng tác giải thích.

Tử vong vẫn có thể được ngăn chặn

Các nhà nghiên cứu cho rằng, sự gián đoạn gây ra bởi COVID-19, trong trường hợp xấu nhất, có thể dẫn đến mất năm sống (số năm dự kiến ​​mà một người có thể đã sống nếu họ không chết vì một nguyên nhân cụ thể) ở quy mô tương tự như tác động trực tiếp của đại dịch.

Tuy nhiên, vẫn còn thời gian để giảm số tử vong. Chính quyền và các tổ chức khác phải duy trì các dịch vụ quan trọng, như cung cấp các phương pháp điều trị bằng thuốc kháng vi-rút cho HIV và cung cấp màn tẩm thuốc chống muỗi cho bệnh sốt rét.

Ở các quốc gia có gánh nặng bệnh sốt rét cao, dịch HIV và bệnh lao lớn, ngay cả những gián đoạn ngắn hạn cũng có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho hàng triệu người phụ thuộc vào các chương trình để kiểm soát và điều trị các bệnh này. Tuy nhiên, tác động của đại dịch có thể tránh được phần lớn bằng cách duy trì các dịch vụ cốt lõi và tiếp tục các biện pháp phòng ngừa. Giáo sư Timothy Hallett từ Đại học Hoàng gia Luân Đôn, người đồng lãnh đạo nghiên cứu cho biết.

Có một số hạn chế quan trọng cần lưu ý về nghiên cứu mô hình này. Các tác giả cho biết các kịch bản mà họ mô hình hóa không phải là toàn diện và không tính đến tác động của những thay đổi toàn cầu trong dài hạn, như suy thoái kinh tế.