Tối 21-7, tại buổi họp báo định kỳ cung cấp thông tin về dịch COVID-19, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết từ 6 giờ ngày 20-7 đến 6 giờ ngày 21-7, ngành y tế ghi nhận 5.480 ca nhiễm COVID-19. 90% trong số này nằm trong khu cách ly, phong tỏa và được phát hiện thông qua lần xét nghiệm thứ nhất.
Không phát sinh ổ dịch mới
“Những trường hợp này là bị nhiễm từ trước, do diễn biến của bệnh nên từ F1 thành F0, chứ không có cơ sỏ nói lây nhiễm trong khi cách ly”- ông Tâm nói.
ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc phụ trách HCDC trả lời báo chí. Ảnh: LÊ THOA
Theo ông Tâm, hiện nay TP.HCM đang điều trị cho hơn 35.000 bệnh nhân nhiễm COVID-19. Tại các quận, huyện thì số ca nhiễm cao nhất ở huyện Bình Chánh với hơn 800 ca, thấp nhất là huyện Củ Chi.
TP có 15 quận, huyện đã triển khai cách ly F1 tại nhà, qua đó có 125 trường hợp đăng ký cách ly tại nhà qua phần mềm VHD, đã được thẩm định.
Tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, hôm nay TP phát hiện 10 ca dương tính, trong đó có 6 ca tại Khu chế xuất Tân Thuận. Theo ông Tâm với chủ trương “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến”, thì số ca nhiễm tại khu vực này đã giảm mạnh, là tín hiệu đáng mừng, trong khi trước đây có vài trăm ca mỗi ngày.
Đặc biệt, ông Tâm khẳng định, mấy ngày nay không phát sinh ổ dịch mới và đang kiểm soát các ổ dịch cũ.
Từ đầu năm đến nay, TP có 332 ca tử vong
Phó Giám đốc Sở Y tế TP Nguyễn Hữu Hưng cho biết TP hiện có 35 bệnh viện (BV) điều trị COVID-19, trong đó TP đã xây dựng thêm nhiều BV dã chiến được đánh số từ 1 đến 13. Hiện TP.HCM có hơn 59.000 giường bệnh, so với số ca nhiễm đang được điều trị hiện nay hơn 35.000 thì TP đảm bảo đủ số giường.
BV Hồi sức COVID-19 TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG
Theo ông Hưng, đến nay TP có 4.837 trường hợp xuất viện, con số này đã tạo sự tin tưởng vào công tác điều trị. “Dựa vào mức độ bệnh và tình hình điều trị trong thời điểm hiện nay, sắp tới số người xuất viện sẽ tăng hơn, dự kiến hơn 1.000 người mỗi ngày” – ông Hưng thông tin.
Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, TP có 332 trường hợp tử vong vì COVID. Theo thống kê, những trường hợp tử vong hầu hết có bệnh nền, nhưng cũng có số ít không có bệnh nền.
Về việc tiêm vaccine, TP.HCM khởi động chiến dịch tiêm chủng với khoảng 930.000 liều, thực hiện trong thời gian từ 2-3 tuần, nhưng cần thiết có thể kéo dài hơn, làm sao đảm bảo điều kiện về an toàn, giãn cách.
Ông Hưng cho biết đợt này TP rút kinh nghiệp từ đợt 4, chuẩn bị tương đối kĩ, chống sự lây nhiễm khi tiêm chủng. Đối tượng ưu tiên thực hiện theo Nghị quyết 21; tuy nhiên với tình hình dịch bệnh hiện nay thì đối tượng cần ưu tiên hàng đầu để bảo vệ là người trên 65 tuổi và mắc bệnh nền.
Cách ly F1 tại nhà là có cơ sở khoa học
Về việc cách ly F1 tại nhà và rút ngắn thời gian điều trị F0, ông Nguyễn Hữu Hưng cho biết Bộ Y tế đã hướng dẫn cụ thể cho TP thí điểm ở các quận, huyện. Từ đó tạo thuận lợi về tâm lý, điều kiện sinh hoạt thoải mái hơn cho người được cách ly.
Phó Giám đốc Sở Y tế TP Nguyễn Hữu Hưng trả lời tại buổi họp. Ảnh: LÊ THOA
Mới đây, HCDC đã có văn bản hướng dẫn về việc này. Cụ thể từ lúc được thông báo mình là F1, sẽ có 5 bước thực hiện để cách ly tại nhà. Trong đó có việc người cách ly đăng ký với y tế địa phương, UBND phường, xã thành lập tổ thẩm định, ra quyết định cách ly, …
Về việc cách ly F0 tại nhà, ông Hưng thông tin, không phải F0 nào cũng được cách ly tại nhà. Đối với F0 mới được phát hiện, thì người này không có triệu chứng lâm sàng, đưa vào điều trị được đánh giá là có nguy cơ thấp, có chỉ số CT value >30.
Phó Giám đốc Sở Y tế TP cũng giải thích rõ hơn lý do thực hiện cách ly F1 tại nhà. Theo ông Hưng, việc này là sự vào kinh nghiệm tại một số quốc gia, khi số ca mắc lớn thì tỉ lệ trở nặng nhiều, tử vong sẽ cao, chưa kể biến chủng Delta lây rất nhanh.
Như vậy, việc này là để kiềm chế sự lây lan, kiềm chế việc tăng số ca dương tính, giảm áp lực cho ngành y tế. Bởi nếu áp lực đến mức không đáp ứng được thì ảnh hưởng nguy hiểm đến sức khoẻ, tính mạng người dân.
“Việc này không chỉ là giải quyết chỗ cách ly tập trung, giảm gánh nặng cho ngành y tế mà xuất phát từ cơ sở khoa học” – ông Hưng khẳng định.
Ông cho biết điểm đáng phấn khởi là số người mắc bệnh không triệu chứng là 70-80%, những người này không phải lúc nào cũng cần sự chăm sóc y tế, nếu điều trị thích hợp tại nhà, tại các khu cách ly tập trung quận, huyện thì tốt hơn. Do vậy TP đã phân tầng điều trị, không phải tất cả bệnh nhân đều giống nhau mà theo mức độ nặng, nhẹ, triệu chứng, chứ không chỉ chuyện giảm bớt áp lực cho ngành y tế.
Phó Giám đốc Sở Y tế cũng nhấn mạnh việc cách ly F1 tại nhà cũng như rút ngắn thời gian điều trị F0 đảm bảo quy trình nghiêm ngặt. Bên cạnh sự tự giác tuân thủ của người cách ly, còn có sự chung tay của ban, ngành giám sát.
Số ca nhiễm tại khu công nghiệp giảm còn 30 ca/ngày
Tại buổi họp báo, ông Phạm Thanh Trực, Phó Trưởng ban quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza), cho biết trong thời gian qua, thực tế tại các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp đã phát sinh một số ca nhiễm.
Ông Phạm Thanh Trực, Phó Trưởng ban quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza). Ảnh: LÊ THOA
Cụ thể, từ ngày 15-7 đến nay, số ca nhiễm tại các doanh nghiệp thuộc khu công nghiệp, khu chế xuất đã giảm, trung bình còn 30 ca/ngày và được xử lý theo quy trình của ngành y tế.
Theo ông Trực, đến thời điểm này, Hepza có 618 doanh nghiệp đăng ký vừa sản xuất vừa cách ly tại chỗ; qua kiểm tra 479 doanh nghiệp thì có 414 doanh nghiệp đủ điều kiện với 44.145 người lao động và 65 doanh nghiệp phải ngừng hoạt động.
Ông Trực cũng cho biết, những người lao động ở lại công ty để làm việc, ban đầu đồng thuận nhưng sau đó thấy điều kiện sinh hoạt khó khăn hơn ở nhà nên đăng kí ra về.
“Việc này chúng tôi phối hợp với Sở Y tế, nếu người lao động đi ra, quay về nơi cư trí phải đảm bảo yêu cầu phòng dịch. Nếu doanh nghiệp muốn bổ sung người lao động từ bên ngoài vào thay thế thì cũng phải đáp ứng y tế phòng dịch” – ông Trực nói.