Trong văn bản khẩn gửi các bệnh viện công lập, ngoài công lập, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM, Trung tâm Cấp cứu 115, trung tâm y tế các quận, huyện và TP Thủ Đức, Sở Y tế TP.HCM đề nghị, công tác tiêm vắc-xin đợt 5 cần được diễn ra an toàn, kịp tiến độ, đúng nhóm đối tượng ưu tiên theo kế hoạch của Bộ Y tế.
Về địa điểm, người mắc bệnh thận mạn tính, huyết áp, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mạn tính, béo phì, người trên 65 tuổi sẽ tiêm ở bệnh viện. Những trường hợp còn lại sẽ tiêm ở cộng đồng.
Tiêm vắc-xin COVID-19. (Ảnh minh họa).
TP.HCM sẽ vận hành 615 điểm tiêm với 120 người/ngày/điểm tiêm. Mỗi phường, xã sẽ tổ chức ít nhất 2 điểm tiêm. Tùy theo tình hình ổn định, số lượng có thể tăng lên 200 người/điểm tiêm/ngày. Nếu tiến độ đảm bảo, trong khoảng 2 tuần, TP.HCM sẽ tiêm xong 930.000 liều.
Các điểm tiêm đều bố trí tổ cấp cứu túc trực để đảm bảo xử lý kịp thời mọi tình huống xảy ra. Nơi phong tỏa không tổ chức tiêm. Ngay khi gỡ phong tỏa, nơi này sẽ lập tức tổ chức tiêm cho người dân.
Thành phố ưu tiên tiêm cho những người mắc các bệnh nền (bệnh thận mạn tính, phổi tắc nghẽn mạn tính, tăng huyết áp, đái tháo đường); trên 65 tuổi; thuộc diện chính sách, có công và đối tượng bảo trợ xã hội; hộ nghèo, cận nghèo; yếu thế; làm việc trong ngành y tế; người tham gia trực tiếp phòng, chống dịch (thành viên ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, người làm việc ở khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, tình nguyện viên, phóng viên...).
Mỗi đội tiêm gồm một bác sĩ khám sàng lọc, một điều dưỡng thực hiện kỹ thuật tiêm, một bác sĩ và một điều dưỡng theo dõi sau tiêm, một nhân viên hành chính. Các đội tiêm khi thực hiện nhiệm vụ phải tuân thủ phương tiện phòng hộ (áo choàng, khẩu trang N95, kính che mặt ...).
Người được tiêm vắc-xin sẽ có giấy xác nhận tiêm phòng COVID-19 ngay tại buổi tiêm do đơn vị phụ trách tiêm (đội trưởng đội tiêm ký xác nhận, khuyến khích đóng dấu điểm tiêm).