Cứ ăn thêm 100g loại thịt này làm tăng 17% nguy cơ mắc bệnh tim mạch

Thịt đỏ được nhiều người yêu thích vì nhiều dinh dưỡng, ngon miệng nhưng không nên ăn quá nhiều kẻo ung thư, tim mạch, tiểu đường... tìm tới.

Thịt đỏ là thịt mang sắc đỏ khi được đặt ở nhiệt độ phòng, còn tươi và không bị đổi thành màu trắng sau khi nấu chín. Trong thịt đỏ có chứa hàm lượng myoglobin (sắc tố chịu trách nhiệm cho màu sắc của thịt) cao hơn thịt trắng, khi chất này tiếp xúc với oxy, nó sẽ tạo ra màu đỏ tươi. Thịt đỏ thường là thịt của động vật có vú như thịt heo, thịt bò, thịt cừu, thịt dê…

Không thể phủ nhận rằng thịt đỏ giàu dinh dưỡng như protein chất lượng cao, các vitamin nhóm B, sắt, axit béo… Nhưng không nên ăn quá nhiều, bởi nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa việc tiêu thụ thịt đỏ thường xuyên với một số vấn đề sức khỏe như bệnh tim, một số bệnh ung thư, các vấn đề về thận và tiêu hoá khác.

Cứ ăn thêm 100g loại thịt này làm tăng 17% nguy cơ mắc bệnh tim mạch - Ảnh 1.

Ăn nhiều thịt đỏ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, ung thư, tiểu đường… (Ảnh minh họa)

Ăn quá nhiều thịt đỏ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, ung thư, tiểu đường

Các nhà nghiên cứu cho rằng, ăn nhiều chất béo bão hòa và bất kỳ lượng chất béo chuyển hóa nào có thể làm tăng mức cholesterol của một người và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Do đó, họ khuyến cáo nên hạn chế lượng thịt đỏ và khuyến khích mọi người chọn những phần thịt nạc.

Tỷ lệ thịt đỏ tiêu thụ cũng có mối tương quan thuận với béo phì, cao huyết áp. Đây đều là những nhân tố phổ biến làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Ngoài ra, L-Carnitine trong thịt đỏ có thể liên quan đến chứng xơ vữa động mạch. Nghiên cứu của Đại học Harvard (Mỹ) cho thấy ăn hơn một phần thịt đỏ, tức thêm 50g mỗi ngày, bao gồm thịt bò, thịt lợn, bò rừng và thịt nai, có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch cao hơn 22%.

Nghiên cứu của nhóm nhà khoa học thuộc Queen Mary University of London (Anh Quốc), công bố trên Tạp chí Tim mạch Châu Âu tháng 7/2023 cũng chỉ ra ăn nhiều thịt đỏ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tử vong do mọi nguyên nhân. Nghiên cứu cho thấy ăn thêm 100g thịt đỏ chưa qua chế biến mỗi ngày có thể làm tăng 17% nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành.

Thịt đỏ được WHO xếp vào nhóm có khả năng gây ung thư cho con người (nhóm 2A) nếu ăn nhiều. Nghiên cứu chỉ ra rằng tiêu thụ 76g thịt đỏ làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng cao hơn 20% so với chỉ tiêu thụ khoảng 21g mỗi ngày.

Theo đó, ăn quá nhiều thịt đỏ có thể làm suy yếu hoạt động của tế bào và tăng nguy cơ ung thư. Trong đó, chất haem là một sắc tố đỏ được tìm thấy tự nhiên trong thịt đỏ. Khi dung nạp quá nhiều có thể làm suy yếu các tế bào và khiến vi khuẩn trong cơ thể sản xuất các hóa chất độc hại gây bệnh ung thư.

Lượng thịt đỏ tiêu thụ cũng ảnh hưởng trực tiếp tới nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Bởi ngoài bệnh tim mạch, biến chứng liên quan đến mạch máu phổ biến nhất của bệnh tiểu đường, nó còn có thể liên quan đến việc ăn quá nhiều axit béo và tình trạng kháng insulin khi lượng thịt đỏ tiêu thụ lớn.

Theo Frank B. Hu, giáo sư Khoa Dinh dưỡng và Dịch tễ học tại Trường Y tế công Harvard T.H. Chan (Mỹ) một lý do tiềm ẩn khác là protein trong thịt đỏ có liên quan đến yếu tố tăng trưởng giống insulin (IGF-1) cao hơn. Nếu ăn ít, ăn điều độ thì không sao nhưng ăn hàng ngày, lượng ăn vượt 70g thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Bên cạnh đó, một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc ăn thịt đỏ quá nhiều có thể ảnh hưởng đến việc tiết hormone và có thể là nguyên nhân gây ra các bệnh về chuyển hóa. Việc tiêu thụ thịt đỏ quá mức cũng được xác định có liên quan đến các dấu hiệu sinh học gây viêm làm tăng nguy cơ phát triển bệnh mãn tính. Ăn thịt đỏ quá nhiều dẫn tới hàm lượng chất béo bão hòa quá tải và tăng nguy cơ viêm nhiễm cùng nhiều khó chịu về đường tiêu hóa.

Thịt đỏ chế biến sẵn làm tăng nguy cơ mắc bệnh tật so với thịt đỏ chưa qua chế biến

So với thịt đỏ thông thường, ăn nhiều thịt đỏ chế biến sẵn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh hơn. Cũng trong nghiên cứu của Queen Mary University of London (Anh Quốc) ăn thêm 50g thịt đỏ chế biến sẵn mỗi ngày làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch lên tới 26% (thịt đỏ thường là 17%). Phổ biến nhất là bệnh suy tim.

Cứ ăn thêm 100g loại thịt này làm tăng 17% nguy cơ mắc bệnh tim mạch - Ảnh 2.

Ăn quá nhiều thịt đỏ chế biến sẵn càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tật (Ảnh minh họa)

Tạp chí Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ cũng cho biết, việc tiêu thụ quá nhiều thịt đỏ, nhất là thịt đỏ chế biến sẵn có mối liên quan cao hơn với đột quỵ do thiếu máu cục bộ (tắc nghẽn). Bởi thói quen ăn uống này ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật đường ruột, tạo ra TMAO (trimethylamine oxit) - chất chuyển hóa của vi khuẩn đường ruột liên quan đến xơ cứng mạch máu.

Đặc biệt, ăn quá nhiều các loại thịt đỏ chế biến sẵn càng đẩy nguy cơ tiểu đường, nhất là tiểu đường tuýp 2 lên cao hơn. Thịt đỏ đã qua chế biến thường gặp như xúc xích, thịt xông khói... tiềm ẩn nguy cơ tăng nitrate, nếu lượng chất này quá nhiều sẽ có khả năng làm tăng đề kháng với insulin. Thịt đỏ giàu sắt và đây là chất tốt cho sức khỏe, nhưng nếu bạn ăn thực phẩm, này vô tội vạ, làm lượng sắt dư thừa quá nhiều trong cơ thể thì có thể tạo ra nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2 và cũng không hề thân thiện với sức khỏe của thận.

Nên ăn bao nhiêu thịt đỏ mỗi ngày?

Mặc dù lượng tiêu thụ thịt đỏ bị ảnh hưởng bởi thói quen, sở thích, văn hóa ẩm thực… nhưng để đảm bảo sức khỏe thì cần có kiến thức và mức độ hợp lý.

Quỹ phòng chống ung thư quốc tế và Viện nghiên cứu ung thư Hoa kỳ đã đưa ra khuyến nghị nên tiêu thụ không quá 3 lần thịt đỏ mỗi tuần. Tổng lượng thịt đỏ trong một tuần vào khoảng 350 - 500g sau chế biến (tương đương tối đa khoảng 700g thịt sống và không bao gồm trọng lượng của xương). Nếu tính theo ngày thì lượng thịt đỏ không nên vượt quá 70g/ngày (thịt đã chế biến chín), tương đương khoảng 100g/ngày thịt sống không bao gồm phần xương.

Nên sử dụng thịt nạc, hạn chế thịt đỏ chế biến sẵn, tăng cường sử dụng thịt gia cầm, cá, trứng, sữa là những thực phẩm để thay thế thịt đỏ trong bữa ăn hàng ngày nhằm đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu về protein và vi khoáng chất.

Nguồn và ảnh: ETtoday, Eat This, webMD