Đoàn giám sát kiểm tra véc tơ truyền bệnh viêm não Nhật bản tại nơi bệnh nhân sinh sống
Bệnh nhân L.T.B.T., nam, sinh năm 2012, trú tại phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk.
Theo người nhà bệnh nhi, ngày 27/5, bệnh nhi xuất hiện các triệu chứng sốt cao liên tục, đau đầu nhiều, nôn ói sau ăn. Gia đình đưa đi khám và cho bệnh nhi uống thuốc 1 ngày nhưng không đỡ.
Đến ngày 30/5, bệnh nhi mệt nhiều, còn sốt, ăn uống kém, đi cầu lỏng 1 lần, người nhà đưa đi khám tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình (thị xã Buôn Hồ) và được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên điều trị với chẩn đoán theo dõi viêm màng não/ Rối loạn chức năng ruột.
Ngày 2/6, hội chẩn giữa Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên và Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP. Hồ Chí Minh) đã quyết định chuyển bệnh nhi lên Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp tục điều trị theo chuyên môn với chẩn đoán chuyển viện: Viêm não màng não/ Nhiễm trùng huyết/ Xuất huyết tiêu hóa.
Ngày 19/6, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, bệnh nhi có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh viêm não Nhật Bản.
Ngay sau khi ghi nhận thông tin về trường hợp mắc bệnh viêm não Nhật Bản tại phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Trung tâm Y tế thị xã Buôn Hồ và Trạm Y tế phường An Lạc đã tiến hành triển khai điều tra, giám sát dịch tễ và đẩy mạnh tuyên truyền về các biện pháp phòng bệnh cho người dân.
Viêm não Nhật Bản là bệnh nhiễm trùng cấp tính do virus viêm não Nhật Bản gây tổn thương ở não và hệ thần kinh trung ương. Bệnh lây truyền từ súc vật (như lợn, chim) mang virus sang người qua muỗi chích có tên là Culex. Ở Việt Nam, viêm não Nhật Bản thường xảy ra cao điểm trong mùa hè (từ tháng 5 đến tháng 8), nhiệt độ cao, thuận lợi cho loài muỗi sinh sôi nảy nở và truyền bệnh. Muỗi Culex có đặc điểm hoạt động mạnh nhất (hút máu người) vào lúc chập tối.
Biểu hiện chính của bệnh là sốt cao, đau đầu dữ dội, nôn mửa, co giật, hôn mê... Bệnh thường diễn biến nặng, để lại di chứng thần kinh như liệt, mất trí nhớ và tỷ lệ tử vong cao. Bệnh viêm não Nhật Bản có thể xảy ra quanh năm nhưng dịch thường xảy ra vào mùa hè, vì đây là mùa thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển. Tất cả mọi người, mọi lứa tuổi đều có thể bị mắc bệnh, nhưng bệnh viêm não Nhật Bản chủ yếu thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi. Khi mắc bệnh, bệnh thường để lại các di chứng nặng nề cho trẻ.
Do đó, bên cạnh các hoạt động phòng chống bệnh của lực lượng chức năng, điều quan trọng là người dân không nên chủ quan mà cần nâng cao ý thức phòng bệnh, theo dõi và đưa trẻ đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời khi trẻ có các dấu hiệu bất thường.
Theo Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, để chủ động phòng chống bệnh viêm não Nhật Bản, người dân cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh như sau:
- Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi để hạn chế nơi trú đậu của muỗi, loại bỏ các ổ bọ gậy.
- Khi ngủ phải mắc màn, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi.
- Tiêm vaccine là biện pháp phòng Bệnh viêm não Nhật Bản hiệu quả nhất. Vì vậy hãy đưa trẻ đến trạm y tế và các cơ sở tiêm chủng để tiêm vaccine với 3 liều cơ bản: Mũi 1 lúc trẻ được 1 tuổi ; Mũi 2 sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần; Mũi 3 sau mũi 2 một năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ trên 15 tuổi.
- Khi trẻ có các biểu hiện như sốt cao, nhức đầu, buồn nôn hoặc nôn, mất ngủ, quấy khóc, vật vã, mê sảng… thì phải đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.