Từng cố gắng ăn kiêng, đi bộ buổi sáng để giảm cân nhưng thất bại, gần đây người phụ nữ họ Hoàng, 50 tuổi (Trung Quốc) đột nhiên thấy mình giảm cân một cách nhanh chóng trong khi bà không thực hiện một giải pháp giảm cân nào.
Điều khiến bà bất ngờ là giảm tới 9kg trong một tháng. Cơ thể bà cảm thấy nhẹ nhàng hơn, ăn mặc đẹp hơn nhưng có điều sau mỗi lần ăn xong bà cảm thấy bụng đau âm ỉ. Lúc đó bà nghĩ rằng do mình giảm cân nhanh nên cơ thể yếu đi, dạ dày chưa kịp thích nghi. Tuy nhiên, cơn đau ngày càng dày hơn nên bà đến viện khám.
Ảnh minh họa
Tại bệnh viện, bác sĩ đã tiến hành nội soi. Kết quả cho thấy dạ dày của bà hoàn toàn không có vấn đề gì nhưng tụy của bà thì cần kiểm tra thêm.
Khi kiểm tra về gan mật, bác sĩ bất ngờ phát hiện một bóng 4cm trên tuyến tụy. Chụp cắt lớp cho thấy nghi ngờ khối u tuyến tụy và sau đó sinh thiết chỉ ra chỉ số khối u CA199 đã cao gấp 7 lần so với bình thường. Kết luận cuối cùng là ung thư tụy cuối giai đoạn 2.
Bà Hoàng thực sự sốc, không tin về tình trạng bệnh của mình. Bà cho rằng mình chưa từng uống bia rượu, không hút thuốc, ăn đủ 3 bữa một ngày, luôn đi ngủ sớm, cả ngày gần như chỉ ở nhà thì không thể mắc ung thư. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm thực tế đã không thay đổi được tình trạng bệnh của bà.
Ung thư tụy nguy hiểm thế nào?
Tụy là một tuyến lớn trong ổ bụng, nằm phía sau dạ dày và bắt ngang qua trước cột sống. Tụy gồm 3 phần, đầu tụy được bao quanh bởi tá tràng (tá tràng là đoạn đầu tiên của ruột non), phần giữa là thân tụy và đuôi tụy rất gần với lách. Ở người trưởng thành, tụy dài khoảng 15cm.
Ung thư tụy là căn bệnh ít gặp nhưng lại rất nguy hiểm bởi khó phát hiện, khó điều trị và tỉ lệ tử vong cực cao. Hầu hết bệnh nhân ung thư tụy sau khi điều trị bằng phẫu thuật chỉ sống được khoảng 2-3 năm, tỉ lệ tái phát sau phẫu thuật cũng khá lớn. Còn với những bệnh nhân bị ung thư tụy giai đoạn cuối không thể can thiệp bằng phương pháp phẫu thuật thì đa số người bệnh đều không sống quá 1 năm sau khi phát hiện bệnh.
Dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư tụy
- Giảm cân nhanh chóng không rõ nguyên nhân.
- Vàng da hoặc vàng mắt: Hiện tượng này xuất hiện do khối u chèn ép vào đường mật. Vàng da trong trường hợp này không kèm theo đau và sốt, đây cũng là một dấu hiệu để phân biệt tắc mật do khối u chèn ép đường mật và tắc mật do sỏi mật.
- Ngứa lòng bàn tay, bàn chân, trường hợp nặng xuất hiện nhiều vết gãi toàn thân, hay gặp ở bụng, cẳng tay, cẳng chân.
- Khẩu vị thay đổi, cảm giác chán ăn, mệt mỏi.
- Đau bụng trên hoặc đau lưng, thường lan từ vùng quanh dạ dày đến lưng: Đây là dấu hiệu xấu cho thấy khối u đã xâm lấn vào đám rối tạng phía sau phúc mạc.
- Phân lỏng có mùi – phân có màu sẫm: Khi khối u đầu tụy chèn vào ống tụy sẽ có thể gây nên triệu chứng tiêu chảy, tiêu phân mỡ. Tuy nhiên, hiện tượng này thường ít được để ý cho đến khi xuất hiện vàng da.
- Các biến chứng do khối u chèn ép, xâm lấn tá tràng có thể gây nên triệu chứng nôn, xuất huyết tiêu hoá.
Ai có nguy cơ gây bị ung thư tụy
Nguy cơ của ung thư tụy có thể bao gồm những yếu tố sau:
- Người có thói quen hút thuốc lá
- Người thường xuyên sử dụng thức uống nồng độ cồn cao.
- Người béo phì hoặc thừa cân, người lười vận động.
- Người tiền đái tháo đường, bệnh đái tháo đường lâu năm, sử dụng thuốc tiểu đường lâu năm
- Người bị viêm tụy mạn tính
- Người có người thân tiền căn gia đình mắc viêm tụy hoặc ung thư tụy
- Người tiếp xúc với hóa chất và kim loại nặng.
Làm gì để phòng ngừa ung thư tuyến tụy
Không có phương pháp đặc hiệu để phòng ngừa ung thư nhưng bạn có thể hoàn toàn giảm thiểu những yếu tố nguy cơ như:
Không hút thuốc lá, hạn chế bia, rượu.
Ăn nhiều hoa quả và rau xanh, giảm thịt đỏ và những sản phẩm chế biến sẵn.
Hạn chế tiếp xúc với hóa chất. Nếu trong môi trường độc hại thì cần phải bảo hộ kỹ càng.
Duy trì cân nặng ở mức BMI thích hợp (với người châu Á là từ 18 đến 22).
Khi gia đình có người mắc những bệnh lý di truyền kể trên có thể tầm soát ung thư tuyến tụy.