Bệnh nhân P.L.S., (38 tuổi, trú tại xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) có biểu hiện đau bụng, mệt mỏi, đi khám được phát hiện u gan phải. Bệnh nhân có tiền sử viêm gan B, nghiện rượu.
Bệnh nhân nhập viện điều trị tại Trung tâm Ung bướu và Y học hạt nhân. Các bác sĩ đã tiến hành thăm khám cũng như hoàn thiện các xét nghiệm cận lâm sàng đánh giá giai đoạn bệnh và hội chẩn tìm phương án điều trị phù hợp.
Qua phim chụp cộng hưởng từ (MRI) cho thấy bệnh nhân có khối u gan đường kính lớn nằm ở trung tâm gan, đè đẩy sát vào vùng rốn gan. Hình ảnh cộng hưởng có tinh chất ác tính (HCC), các chất chỉ điểm ung thư gan đều ở ngưỡng cao.
Sau khi tiến hành hội chẩn với các chuyên gia tuyến trung ương, các bác sĩ kết luận chỉ định phẫu thuật cắt gan, đây là phương pháp điều trị đem lại hiệu quả cao nhất. Bệnh nhân sau đó đã được tiến hành phẫu thuật cắt gan trung tâm (hạ phân thùy VIII và IV).
Ca phẫu thuật diễn ra thuận lợi. Sau 3 tiếng đồng hồ phẫu thuật, bệnh nhân được cắt gan trung tâm, các dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân được đảm bảo.
Bác sỹ Tô Minh Hùng, Giám đốc Trung tâm Ung bướu và Y học hạt nhân cho biết: "Phẫu thuật cắt gan là kỹ thuật khó, cắt gan trung tâm thì mức độ khó tăng lên gấp bội. Điểm khó khăn chính của trường hợp này là khối u nằm ở giữa gan kích thước khá lớn, nằm trung tâm gan trên vùng giàu mạch máu và đường mật. Nguy cơ chảy máu và dò mật trong và sau phẫu thuật rất cao.
Quá trình phẫu thuật cần phải rất cẩn thận, tránh làm tổn thương cuống mạch nuôi phần gan còn lại. Ngoài ra, phương pháp cắt gan theo ngả trước không di động gan giúp hạn chế phát tán tế bào ung thư cũng như giữ ổn định phần gan trái”.
Người mắc bệnh viêm gan B cần làm gì để phòng ngừa biến chứng
Ảnh minh họa
Viêm gan do virus B, C là một trong những nguyên nhân dẫn đến xơ gan và ung thư gan. Do đó, người có bệnh lý viêm gan B, C thì phải điều trị tích cực theo phác đồ của bác sĩ chuyên khoa. Bên cạnh đó cần được tiêm phòng vi rút viêm gan B, C đầy đủ.
Ngoài ra, người bệnh cần có lối sống sinh hoạt lành mạnh để bệnh tình tiến triển tốt và ngăn ngừa các biến chứng. Cụ thể, người bệnh nên có chế độ ăn đủ chất, bổ sung thực phẩm giàu đạm tốt (cá, sữa tươi, các loại đậu…), ngũ cốc nguyên hạt, rau xanh, trái cây và nên chọn các thức ăn mềm, dễ tiêu hóa.
Người bệnh cũng cần hết sức tránh những thực phẩm có hại cho gan và đường tiêu hóa như thực phẩm chiên rán, nhiều dầu mỡ, thực phẩm nhiều cholesterol như nội tạng động vật, lòng đỏ trứng, tôm…, thực phẩm có tính nóng như thịt dê, baba, thịt chó…, không ăn thức ăn quá nhiều đường, quá mặn, quá cay hoặc chưa được nấu chín. Quan trọng nhất là người bệnh cần tuyệt đối kiêng rượu bia, chất kích thích vì chúng sẽ gây hại trực tiếp cho gan.