Khi thấy một số bộ phận trên cơ thể to lên đột ngột, hầu hết chị em đều cho rằng đó là dấu hiệu của phù nề hoặc tăng cân. Nhất là nếu nó không đi kèm cảm giác đau đớn hay khó chịu rõ ràng. Tuy nhiên, chỉ riêng tình trạng tăng kích thước khó hiểu ở 4 bộ phận dưới đây cũng đủ lý do để bạn tới bệnh viện thăm khám bởi nó đang che giấu nhiều bệnh tật:
1. Ngực to lên bất thường
Xu hướng của phụ nữ hiện đại coi vòng một đầy đặn, thậm chí càng to càng đẹp. Nhiều người không tiếc tiền của, thời gian, công sức để tăng kích thước vòng một của mình. Nhưng nếu bạn phát hiện ngực mình to lên bất thường thì đừng vội mừng. Bởi rất có thể đó là do tăng sản vú hoặc dấu hiệu ung thư.
Ngực to lên đột ngột không phải điều đáng mừng mà đáng lo với chị em phụ nữ (Ảnh minh họa)
Với nam giới, triệu chứng này rất dễ phát hiện, tốt nhất nên đi khám ngay. Còn với nữ giới, nếu tình trạng này kéo dài liên tục quá 2 tuần, không liên quan tới sinh nở hay kỳ kinh nguyệt thì cần nhờ tới bác sĩ càng sớm càng tốt. Đặc biệt là nếu chỉ một bên ngực to lên, có sự bất đối xứng giữa hai bên ngực về kích thước, hình thể, màu sắc…
Các chuyên gia cho biết, việc tăng kích cỡ ngực bất thường do bệnh lý thường xuất hiện phổ biến ở 1 bên vú thay vì cả 2 bên. Khi sờ vào có thể có các cục rắn hoặc mềm, bình thường không gây đau nhưng nếu nắn có cảm giác đau nhẹ thì thương là ung thư vú.
Ngoài ra, vùng ngực to lên cũng có thể do khối u từ phổi, các bộ phận khác nằm trong/gần khoang ngực. Hoặc tim tăng kích thước do giãn tim, suy tim… khiến ngực bị đẩy lên và có cảm giác to hơn bình thường.
2. Đầu ngón tay to lên
Điều đầu tiên mà mọi người nghĩ khi thấy đầu ngón tay mình to lên thường là do chúng làm việc quá nhiều hoặc cơ thể béo lên. Trong khi, nếu cả bàn tay không khác biệt nhiều, chỉ riêng phần đầu ngón tay to lên thì rất có thể là do bệnh hiểm nghèo. Hiện tượng này thường được gọi là ngón tay dùi trống.
Theo khuyến cáo của tổ chức Nghiên cứu ung thư Anh Quốc, ngón tay dùi trống thường gặp ở các bệnh nhân có bệnh lý tim hoặc phổi, gan. Các nghiên cứu lâm sàng cũng kết luận rằng 30% bệnh nhân bị ung thư phổi có ngón tay dùi trống. Còn với gan, thường thấy ở người xơ gan, bệnh gan do bia rượu.
Ngón tay dùi trống rất có thể là dấu hiệu cảnh báo trước nhiều bệnh hiểm nghèo (Ảnh minh họa)
Để nhận biết ngón tay dùi trống, cần nắm được 3 giai đoạn của nó. Ban đầu, chân móng trở nên mềm và da cạnh chân móng bóng hơn. Sau đó, móng bị cong hơn bình thường khi nhìn từ hai bên, còn gọi là dấu hiệu Scary Mouth. Giai đoạn cuối, phần cuối ngón tay bị bè to ra nên được gọi là ngón tay dùi trống. Các triệu chứng khác của ngón tay “dùi trống” do gan thay vì do phổi là màu da tay vàng hơn, móng tay chuyển màu hoặc có sọc bất thường, gồ ghề và dễ gãy.
3. Bụng dưới ngày càng to
Chị em phụ nữ gầy đến đâu cũng thường không tránh khỏi mỡ thừa tích tụ ở vùng bụng dưới. Bởi vùng bụng của chị em có rất nhiều cơ quan quan trọng nhưng lại dễ bị tổn thương, nhất là buồng trứng và tử cung. Một chút mỡ bụng cũng được xem là giúp bảo vệ khả năng sinh sản, xương chậu và tốt cho sức khỏe nữ giới. Tuy nhiên, nếu thấy bụng dưới to lên bất thường thì nên cẩn trọng.
Hãy nhớ, trừ việc mang thai ở nữ giới, có 2 lý do chính dẫn tới tình trạng bụng to nhanh chóng. Một là béo bụng do dư thừa lượng mỡ nội tạng quá nhiều, 2 là bị cổ trướng do ung thư cơ quan nội tạng xâm lấn ổ phúc mạc. Phổ biến nhất là ung thư gan, ung thư tụy, ung thư dạ dày, ung thư ruột kết và ung thư buồng trứng.
Bởi vì thể tích khối u phát triển tạo ra hiện tượng phình to bất thường và kết dính các cơ quan dẫn đến tăng kích thước vùng bụng. Thường sẽ đi kèm với các cơn đau và nhiều triệu chứng đặc hiệu khác. Hoặc ung thư khiến tràn dịch màng bụng xảy ra, bụng của bệnh nhân sẽ trở nên căng lên và bệnh nhân sẽ cảm thấy trướng bụng, khó chịu. Đặc biệt, đối với bệnh nhân trung niên và cao tuổi bị xơ gan cổ trướng không rõ nguyên nhân cần đề cao cảnh giác với ung thư.
Nhưng không phải lúc nào sưng hoặc phình bụng cũng là dấu hiệu ung thư, có thể đó là dấu hiệu của bệnh nghiêm trọng khác như suy thận, viêm gan, nên tốt nhất hãy đến bệnh viện khám chữa kịp thời.
4. Cổ ngày càng to
Khi đột nhiên cổ tăng kích thước, nhiều người thường cho rằng mình bị tích nước hoặc tăng cân. Tuy nhiên, đây cũng có thể là dấu hiệu của khối u dù không gây đau hay ngứa, tốt nhất là nên đi khám, nhất là nếu chỉ mỗi vùng cổ to lên.
Trên thực tế, tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh tuyến giáp, đặc biệt là u tuyến giáp - căn bệnh hàng đầu có triệu chứng cổ tăng kích thước bất thường cao hơn so với nam giới rất nhiều. Bởi tuyến giáp nằm ở vùng cổ trước, ngay trên xương ức.
Cổ ngày càng to lên là dấu hiệu thường gặp của u tuyến giáp - bệnh phổ biến với chị em phụ nữ (Ảnh minh họa)
Cổ to lên bất thường cũng có thể là triệu chứng của sưng hạch, ung thư hạch. Lý do là trong quá trình phát triển, những tế bào này sẽ tấn công hệ thống miễn dịch, gây ra một số triệu chứng ở cổ - nơi tập trung nhiều tế bào bạch huyết. Dẫn tới nổi cục, mụn hoặc thực chất là sưng các hạch làm kích thước cổ tăng lên.
Kết luận: Nhìn chung, dấu hiệu to lên ở 4 bộ phận trên đều có thể ẩn chứa nhiều bệnh tật và nên đi khám. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng nó thường phổ biến và nguy hiểm hơn với nữ giới, nhất là khi nữ giới thường hiểu lầm chúng với tăng cân hay lão hóa dẫn tới chậm trao đổi chất. Đương nhiên, nó cũng có thể là những vấn đề sức khỏe không nghiêm trọng khác, nhưng tốt nhất là nên đi thăm khám và tìm ra nguyên nhân chính xác, điều trị sớm để có hiệu quả cao.
Nguồn và ảnh: Sohu, Family Doctor, Women’s Health