Ung thư bàng quang thường có những dấu hiệu gì?
Các triệu chứng của bệnh ung thư bàng quang thường khó nhận biết, nhất là ở giai đoạn đầu. Lời khuyên ‘mỗi người hãy là bác sĩ tốt nhất của chính mình’ luôn có ý nghĩa. Quan tâm đến các hiện tượng khác lạ của cơ thể sẽ giúp bạn phát hiện ra bệnh sớm hơn. Khi gặp các hiện tượng sau đây, bạn cần nghĩ đến khả năng ung thư bàng quang.
Tiểu lẫn máu: Đây là triệu chứng thường gặp nhất, chiếm tỉ lệ 90-95%. Người bệnh có thể đái máu toàn bãi hay cuối bãi. Tuy nhiên, hiện tượng này xuất hiện đột ngột và cũng có thể hết đột ngột. Người bệnh thường không có cảm giác đau, vì vậy mà cũng hạn chế đến sự nhận biết dấu hiệu của bệnh.
Mặc dù việc đi tiểu lẫn máu cũng có thể xuất hiện ở người bình thường hoặc người có tổn thương lành tính nhưng khi cơ thể có hiện tượng này, tốt nhất bạn cần đến khám bác sĩ chuyên khoa tiết niệu. Đây là chia sẻ của TS.BS. Lê Sĩ Trung- Ủy viên Ban chấp hành Hội Tiết niệu Thận học Việt Nam.
Tiểu rắt, tiểu khó, tiểu không tự chủ, nước tiểu sẫm màu: Các triệu chứng này thường xuất hiện đầu tiên, thường trước cả khi xuất hiện triệu chứng tiểu có lẫn máu. Khi bạn thấy nước tiểu của mình có màu sậm hơn bình thường, dù đã uống đủ lượng nước cần thiết thì nên đi xét nghiệm xem có phải mình đã mắc bệnh ung thư bàng quang hay không. Các bác sĩ chuyên khoa khuyên bạn không nên để đến khi xuất hiện các triệu chứng như đau hông, đau trên xương mu, đau vùng hạ vị, đau tầng sinh môn, đau xương... mới đi khám. Bởi khi đó, bệnh đã ở giai đoạn muộn, đã xâm lấn vào các cơ quan lân cận.
Đau lưng cũng có thể là một dấu hiệu của ung thư bàng quang.
Mệt mỏi, gầy sút cân, chán ăn: Đây là hiện tượng xuất hiện ở rất nhiều căn bệnh. Tuy nhiên khi bạn mệt mỏi, gầy sút cân, chán ăn kèm theo tiểu khó thì cần nghĩ đến khả năng của căn bệnh ung thư bàng quang. Thăm khám bác sĩ là việc cần làm càng sớm càng tốt. Tại các cơ sở chuyên khoa bạn sẽ được khám lâm sàng toàn diện. Đó là nội soi trực tràng ở nam và trực tràng, âm đạo ở nữ.
Ung thư bàng quang có dự phòng được không?
Rất khó để xác định cụ thể nguyên nhân dẫn đến ung thư bàng quang. Tuy nhiên, y học ngày nay cũng khẳng định rằng, một lối sống lành mạnh góp phần quan trọng giúp giảm nguy cơ mắc căn bệnh này.
Không hút thuốc lá là cách để phòng bệnh ung thư bàng quang nói riêng và nhiều căn bệnh khác. Trong quá trình hút thuốc, nhiều hóa chất trong thuốc thường bị đào thải qua đường nước tiểu, có thể gây tổn thương niêm mạc bàng quang, tăng nguy cơ mắc ung thư.
Với những người mà công việc phải thường xuyên tiếp xúc với hóa chất độc hại thì cần phải thực hiện tất cả những hướng dẫn an toàn để tránh phơi nhiễm. Đặc biệt, cần đảm bảo nguồn nước sinh hoạt là nước sạch. Nếu nghi ngờ nguồn nước không đảm bảo nên làm xét nghiệm để kiểm tra hàm lượng asen, thạch tín trong nước ra sao để khắc phục.
Việc uống đủ nước hằng ngày (khoảng 2- 2,5 lít) có thể làm giảm 25% nguy cơ ung thư bàng quang, bởi nước có thể loại bỏ các tác nhân gây bệnh ung thư ra khỏi bàng quang trước khi chúng lan ra và phát triển trong cơ thể.
Chế độ ăn đủ dinh dưỡng cũng có ý nghĩa trong việc ngăn ngừa phần nào ung thư bàng quang. Khoa học dinh dưỡng cho biết, các loại rau họ cải như: súp lơ xanh, bắp cải có thể làm giảm nguy cơ ung thư bàng quang ở nam.
Không bỏ qua việc khám sức khỏe định kỳ. Đây là một phần quan trọng trong lối sống lành mạnh của con người hiện đại. Việc kiểm tra sức khỏe định kỳ sẽ giúp chúng ta phát hiện sớm những vấn đề của sức khỏe, trong đó có việc phát hiện sớm ung thư bàng quang- yếu tố cơ bản để có thể điều trị triệt để căn bệnh nguy hiểm này.