Theo thống kê từ Bệnh viện K, với riêng ung thư bàng quang, năm 2020 Việt Nam ghi nhận hơn 1700 ca mắc mới và gần 1000 trường hợp tử vong.
Ung thư bàng quang thường có tiên lượng tốt nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, tổn thương nông tại bàng quang.
(Ảnh minh họa).
Theo các bác sĩ BV K, tại Việt Nam, ung thư bàng quang 1 trong 10 loại ung thư hay gặp ở nam giới. Ung thư bàng quang là loại ung thư xảy ra ở bàng quang- cơ quan rỗng nằm tại vùng bụng dưới có chức năng chứa nước tiểu do thận thải ra. Phía trong thành bàng quang là lớp niêm mạc được cấu tạo từ các tế bào chuyển tiếp và tế bào vảy.
Triệu chứng ung thư bàng quang thường rất khó nhận biết. Tuy nhiên, có những dấu hiệu có thể giúp bệnh nhân phát hiện ra bệnh sớm để kịp thời đến cơ sở y tế để thăm khám như sau:
- Mệt mỏi, gầy sút, chán ăn
- Tiểu máu là dấu hiệu thường gặp nhất. Tiểu máu từng đợt, tiểu máu đại thể, toàn bãi.
- Đau khi đi tiểu.
- Tiểu rắt, tiểu khó, tiểu không tự chủ, nước tiểu sẫm màu: đây là những triệu chứng xuất hiện đầu tiên, do bàng quang bị kích thích hay bị giảm thể tích.
- Các triệu chứng của nhiễm trùng đường tiểu, tắc nghẽn đường tiểu do u xâm lấn hay do cục máu đông.
Ở giai đoạn muộn của ung thư bàng quang, tế bào ung thư đã di căn xa, sẽ xuất hiện các biểu hiện sau:
- Đau hông lưng
- Đau trên xương mu
- Đau hạ vị
- Đau tầng sinh môn
- Đau xương
- Đau đầu
Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh ung thư bàng quang
Cũng giống như nguyên nhân gây bệnh, các yếu tô nguy cơ ung thư bàng quang vẫn chưa được nghiên cứu một cách rõ ràng. Một số yếu tố nguy cơ phổ biến dẫn đến ung thư bàng quang là:
Những người lớn tuổi có nguy cơ mắc ung thư bàng quang cao hơn những người trẻ.
Đàn ông dễ bị ung thư bàng quang hơn phụ nữ.
Tiền sử gia đình có người mắc phải ung thư bàng quang .
Người đã bị ung thư bàng quang cũng có khả năng tái phát.
Những người hút thuốc lá có nguy cơ ung thư bàng quang cao hơn hai đến ba lần so với những người không hút thuốc lá.
Nghề nghiệp dễ mắc ung thư như làm cao su, chất hóa học, da thuộc, thợ làm tóc, thợ kim khí, thợ in, thợ dệt, tài xế xe tải. Đây là những ngành nghề tiếp xúc thường xuyên với những chất sinh ung thư.
Ngoài ra, các bệnh lý viêm bàng quang mạn tính, nhiễm trùng tiết niệu tái diễn nhiều lẫn hoặc sử dụng ống thông đường tiểu lâu ngày cũng gây nên ung thư bàng quang.
Quá trình điều trị phụ thuộc vào vị trí u và giai đoạn bệnh, nhưng chủ yếu là phẫu thuật, có thể kèm theo hóa xạ trị bổ trợ, liệu pháp sinh học hoặc các liệu pháp quang động học, miễn dịch.
Để phòng ngừa bệnh ung thư bàng quang, chuyên gia khuyến cáo:
- Không hút thuốc lá, hạn chế tiếp xúc khói thuốc lá.
- Làm việc trong môi trường tiếp xúc với nhiều hóa chất độc hại cần tuân thủ thực hiện đúng các quy định bảo hộ lao động.
- Cần kiểm tra nguồn nước sinh hoạt để xác định nồng độ, hàm lượng kim loại nặng và một số chất độc hại có trong nước trước khi sử dụng.
- Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày giúp cơ thể bài tiết, đào thải các độc tố.
- Cải thiện chế độ ăn uống, ăn các loại rau củ chứa nhiều chất xơ, vitamin, chất chống oxy hóa…
- Khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bảo vệ sức khỏe.