BS.CKII Nguyễn Nguyên Huyền, Trưởng Khoa khám bệnh cơ sở Kim Chung - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, phần lớn, người mắc viêm gan B luôn cảm thấy khỏe mạnh và không có bất kỳ dấu hiệu gì cảnh báo.
Trường hợp hệ thống miễn dịch của người mắc viêm gan B phản ứng với vi rút viêm gan B thì có thể cảm thấy không khỏe, cảm thấy ốm yếu, mệt mỏi, đôi khi có sốt, đi tiểu nước vàng, đau khớp, đau dạ dày, vàng da, vàng mắt hoặc chán ăn, sợ mỡ.
(Ảnh minh họa).
Nếu người lớn mắc viêm gan B cấp, thì khả năng tự hồi phục và đào thải vi rút là 95%. Vì vậy, người mắc viêm gan B cấp phần lớn không cần dùng thuốc kháng vi rút (trừ một số trường hợp đặc biệt có suy gan nặng). Người mắc viêm gan B cấp có men gan cao cần nghỉ ngơi, dùng các thuốc hỗ trợ gan theo chỉ định của bác sĩ hoặc nhập viện nếu cần.
Nếu mắc viêm gan B mạn, việc điều trị sẽ giúp bạn giảm nguy cơ tiến triển đến xơ gan và ung thư gan trong tương lai, tăng tuổi thọ của bạn và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Biện pháp chính để điều trị viêm gan B mạn là uống thuốc kháng vi rút. Đây là loại thuốc có tác dụng làm giảm sự nhân lên của vi rút viêm gan B, vì vậy sẽ bảo vệ tế bào gan khỏi bị hư hại nhiều hơn.
Việc uống thuốc kháng vi rút sẽ kéo dài rất lâu, rất nhiều năm, thậm chí cả đời với những người đã bị xơ gan. Người bệnh không nên tự ý ngừng uống thuốc kháng vi rút khi chưa có ý kiến của bác sĩ.
Việc tự ý ngừng thuốc kháng vi rút có thể gây viêm gan B bùng phát, suy gan và có thể tử vong. Uống thuốc kháng vi rút viêm gan B không đều, thường xuyên quên thuốc sẽ giúp cho vi rút quen với thuốc và dẫn đến kháng thuốc (nhờn thuốc). Gan của bạn vì vậy vẫn bị tổn thương, và vẫn có nguy cơ tiến triển thành xơ gan, ung thư gan.
Một biện pháp nữa để điều trị viêm gan B mạn là tiêm các thuốc để tăng cường hệ miễn dịch và làm cho vi rút không hoạt động.
Có thể lập gia đình và sinh con nếu như bị bệnh viêm gan B không?
Hoàn toàn có thể lập gia đình và sinh con cho dù đang mắc viêm gan B.
Tuy nhiên, bạn cần nhớ viêm gan B lây qua đường máu, đường tình dục và mẹ truyền sang con. Vì vậy trước khi kết hôn, bạn cần cho vợ/chồng đi tiêm phòng vaccine viêm gan B. Sau khi tiêm phòng vaccine viêm gan B và có kháng thể thì sẽ không bị lây viêm gan B.
Nếu bạn là nam giới, bạn hoàn toàn có thể sinh con mà không lây viêm gan B cho con. Sau khi ra đời, hãy cho các con của mình đi tiêm phòng vaccine viêm gan B theo chương trình tiêm chủng quốc gia.
Nếu bạn là nữ giới, bạn có thể lây viêm gan B cho con của mình khi mang thai hoặc khi chuyển dạ lúc sinh. Vì vậy, khi có kế hoạch mang thai hoặc đang mang thai, bạn cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa Truyền nhiễm hoặc gan mật để được tư vấn các biện pháp dự phòng lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con.
Phải kiêng ăn gì nếu như bị bệnh viêm gan B?
Nếu bị mắc viêm gan B mạn, không bị tăng men gan và không bị xơ gan thì bạn ăn uống bình thường, tập thể dục và thể thao hằng ngày. Bạn không phải kiêng bất cứ thứ gì ngoài rượu bia và đồ uống có cồn.
Nếu đang bị tăng men gan thì cần nghỉ ngơi tuyệt đối, tạm nghỉ tập thể thao và tránh xa các căng thẳng, áp lực trong thời gian tăng men gan. Uống thuốc và tuân thủ các chỉ định điều trị của bác sĩ.
Nếu bị xơ gan, các thông tin về dinh dưỡng cho người bệnh xơ gan được cung cấp trong quyển “dinh dưỡng trong xơ gan, những điều bạn cần biết.