"Bệnh giết người thầm lặng" trong y tế là thuật ngữ chung dùng để chỉ các bệnh không có triệu chứng rõ ràng ban đầu, khi được phát hiện thì đã ở giai đoạn tiến triển. Đáng lo ngại, có những bệnh có thể lặng lẽ đặt nền móng có hại cho các vấn đề nghiêm trọng mà không có nhiều dấu hiệu cảnh báo. Bệnh tim và tiểu đường thuộc nhóm này. Cả hai đều có thể dẫn đến các biến chứng sức khỏe nghiêm trọng nếu không được điều trị.
Theo tổ chức Tiểu đường của Anh (Diabetes UK), bệnh tiểu đường thường không có các dấu hiệu đáng chú ý, nhưng nó có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, bao gồm đau tim và cả ung thư.
Bệnh tim có thể hầu như không được chú ý cho đến khi gây ra trường hợp y tế khẩn cấp là tắc nghẽn hoàn toàn động mạch.
Do đó, nhận thức các dấu hiệu cảnh báo bệnh là điều vô cùng quan trọng. Đối với 2 "bệnh giết người thầm lặng" này, biểu hiện ở chân chính là một trong những manh mối để phát hiện bệnh sớm.
Noel Wicks, dược sĩ và cố vấn của trang Excilor, cho biết trên trang Express Daily: "Chúng ta cần theo dõi bàn chân, bao gồm cả móng chân, vì chúng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể và là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng".
Dấu hiệu ở chân cảnh báo bệnh tim
Mỗi bàn chân được tạo thành từ 26 xương, 30 khớp và hơn 100 cơ nhưng nó cũng là "ngôi nhà" của nhiều mạch máu.
Các mạch máu đến ngón chân rất nhỏ nên cũng rất dễ bị tắc nghẽn bởi chất béo - một dấu hiệu của bệnh tim.
Dược sĩ Noel Wicks giải thích rằng quá trình này có thể khiến cho người bệnh có bàn chân lạnh, tê, đau hoặc sưng. "Móng chân cũng có thể dày lên và giòn khi bệnh tim phát triển", Noel Wicks nói thêm.
Dấu hiệu ở chân cảnh báo bệnh tiểu đường
Có một điều đáng lo ngại là các dấu hiệu của bệnh tiểu đường ở bàn chân có thể mơ hồ và dễ bị bỏ qua. Chính vì vậy, dược sĩ Noel Wicks khuyên bạn nên chú ý nhiều hơn đến các dấu hiệu cảnh báo sau đây ở bàn chân:
- Ngứa ran, rát hoặc đau
- Mất cảm giác
- Da nứt nẻ, khô, mụn nước và có vết loét không lành
- Nhiễm nấm (bao gồm cả móng tay dày màu vàng)
Nếu bạn nghĩ rằng mình có thể bị tiểu đường dựa trên các dấu hiệu ở bàn chân thì nên đi khám càng sớm càng tốt.
"Những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 càng cần thận trọng vì có nguy cơ nhiễm trùng móng chân cao hơn, hãy điều trị các tình trạng nấm này ngay lập tức", ông nói thêm.
8 dấu hiệu ở chân cảnh báo bệnh tiềm ẩn
Bệnh tim và tiểu đường không phải là vấn đề sức khỏe duy nhất liên quan đến những thay đổi ở bàn chân. Tiến sĩ Joseph Dobrusin, bác sĩ nhi khoa tại Trung tâm Y tế Banner (Mỹ) chia sẻ 8 điều mà đôi chân có thể tiết lộ về sức khỏe của bạn. Nếu ở chân xuất hiện các dấu hiệu hiệu sau, hãy đi khám vì đó có thể là tín hiệu cho thấy bạn đang bị bệnh.
1. Bàn chân và ngón chân lạnh
Bệnh có thể gặp: Rối loạn mạch máu do di truyền, bệnh tiểu đường, hút thuốc...; Rối loạn động mạch ngoại biên (PAD) hoặc các vấn đề về tuần hoàn do bệnh tiểu đường.
2. Đau rát
Bệnh có thể gặp: Bệnh thần kinh, PAD, bệnh thần kinh ngoại biên do bệnh tiểu đường hoặc các yếu tố khác.
3. Ngón chân cái hoặc bàn chân cái sưng và đau đột ngột
Bệnh có thể gặp: Bệnh gút, nhiễm trùng viêm mô tế bào, bệnh khớp thần kinh (khớp Charcot), huyết khối tĩnh mạch sâu, viêm khớp toàn thân (chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp) hoặc vẩy nến.
4. Móng chân đổi màu hoặc biến dạng
Bệnh có thể gặp: Nấm móng, chấn thương (phổ biến trong bowling, tennis, đi bộ đường dài, chạy), bệnh vẩy nến, thiếu máu, ức chế miễn dịch từ hóa trị, khối u ác tính...
5. Vết loét không lành
Bệnh có thể gặp: Loét bàn chân do tiểu đường hoặc loét mắt cá chân do suy tĩnh mạch, bệnh thần kinh ngoại biên, ung thư biểu mô tế bào đáy hoặc tế bào vảy, khối u ác tính, PAD.
6. Đường sẫm màu hoặc vết bầm tím dưới móng chân
Bệnh có thể gặp: Khối u ác tính, tụ máu dưới màng cứng.
7. Đau ở bàn chân mà không có chấn thương
Bệnh có thể gặp: Gãy xương do căng thẳng, viêm cân gan chân, viêm gân, viêm khớp, bệnh khớp tiểu đường.
8. Tê hoặc ngứa ran ở bàn chân và ngón chân
Bệnh có thể gặp: Bệnh thần kinh ngoại biên, thiếu hụt vitamin B12, hẹp cột sống và các bệnh thần kinh khác, bệnh tiểu đường, liên quan hóa trị...