Giật mình vì phát hiện u lympho trong lần đi gội đầu mát-xa
Chia sẻ trên ĐSPL, bệnh nhân N.T.N. (65 tuổi, ở Yên Bái) cho biết cách đây 4 tháng khi bà đi mát-xa vùng mặt và cổ đã phát hiện cổ nổi những nốt nhỏ. Thời gian gần đây, bà N thấy vùng hạch tại cổ sưng to và hạch xuất hiện thêm ở các vị trí khác trên cơ thể nên quyết định đi Hà Nội khám.
PGS.TS Hoàng Thị Phượng, Chủ nhiệm Bộ môn Nội Khoa Y, Trường Đại học Y dược - Đại học Quốc gia Hà Nội đã trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân N. Kết quả khám ghi nhận tình trạng hạch nổi ở cả hai bên cổ với kích thước không đồng đều, gây đau khi ấn và có khả năng di động. Bệnh nhân cũng xuất hiện hạch ở vùng nách và bẹn.
Hạch bạch huyết có thể ở bất cứ bộ phận nào trong cơ thể của bạn. Ảnh minh họa
Kết quả siêu âm cho thấy vùng cổ hai bên và hố nách có hạch, kèm theo đó là tình trạng giãn ống tuyến vú phải. Chụp CT phổi phát hiện hạch ở trung thất, vùng cổ, cơ ngực và hố nách hai bên, cùng với một nốt kính mờ ở thùy dưới phổi trái.
Với các kết quả này, PGS Hoàng Thị Phượng hướng tới khả năng chẩn đoán u lympho hoặc lao hạch.
Để làm rõ nguyên nhân gây ra tình trạng nổi hạch trên, bệnh nhân được chỉ định thực hiện thêm các xét nghiệm giải phẫu bệnh và hóa mô miễn dịch từ mẫu hạch cổ. Kết xét nghiệm tế bào học mẫu chọc lại từ hạch cổ nghi ngờ mắc u lympho. Xét nghiệm mô bệnh học cho thấy mẫu sinh thiết có hình ảnh giống u lympho không Hodgkin.
Dựa trên các kết quả lâm sàng và cận lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc u tế bào lympho B, loại lympho tế bào nhỏ. Bệnh nhân sau đó được chuyển đến bệnh viện chuyên khoa ung bướu huyết học điều trị.
U lympho không hodgkin là gì?
U lympho không hodgkin (ung thư hạch bạch huyết không hodgkin) là một loại ung thư xuất phát từ hệ thống hạch bạch huyết, một phần của hệ thống miễn dịch cơ thể. Khi mắc ung thư hạch không hodgkin, các tế bào bào bạch cầu lympho tăng sinh mất kiểm soát, dẫn đến hình thành các khối u.
Nếu bạn bị U lympho, hạch bạch huyết của cơ thể bạn được phân bố bất thường hoặc không kiểm soát được. Các tế bào lympho bất thường tích tụ, thường ở hạch nách, cổ hoặc hang. Tuy nhiên, chúng có thể ở bất cứ bộ phận nào trong cơ thể của bạn.
Ai có nguy cơ bị u lympho không hodgkin?
Ung thư hạch bạch huyết không hodgkin có thể xảy ra mọi lứa tuổi, tuy nhiên các khối u gặp nhiều hơn ở những người bệnh có độ tuổi càng cao. Những người dễ bị u lympho không hodgkin như:
-Nam giới giới dễ mắc u lympho không hodgkin hơn so với phụ nữ.
- Người châu Á có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn người dân khu vực châu Mỹ, châu Âu và châu Úc. - Độ tuổi trung bình khoảng 60-70;
- Người có tiền sử gia đình mắc các bệnh lý liên quan ung thư hạch bạch huyết.
Bệnh u lympho không hodgkin có thể phòng ngừa không?
Vì nguyên nhân chính xác gây ung thư hạch không hodgkin không được xác định nên hiện nay bệnh u lympho không hodgkin rất khó phòng ngừa hiệu quả.
Để hạn chế nguy cơ mắc u lympho không hodgkin, chúng ta nên lưu ý:
- Hạn chế tiếp xúc với các hóa chất độc hại, thuốc trừ sâu, tia phóng xạ.
- Duy trì lối sống lành mạnh, chung thủy với bạn tình để hạn chế nguy cơ mắc các virus, vi khuẩn qua đường tiếp xúc gần, quan hệ tình dục…
- Tiêm phòng vacxin ngừa viêm gan B. Thường xuyên tập luyện thể dục, thể thao ít nhất 30 phút/ngày.
- Thăm khám sức khỏe định kỳ.
Để phát hiện sớm và điều trị hiệu quả u lympho không hodgkin, bạn nên thăm khám sức khỏe định kỳ. Ngoài ra, ở những độ tuổi nguy cơ cao hoặc ghi nhận mắc virus Helicobacter pylori, HIV, Epstein-Barr... cần theo dõi định kỳ để có những phương pháp điều trị kịp thời.