Cảm giác se lạnh của thời tiết cuối đông chuyển sang đầu xuân luôn khiến chúng ta cảm thấy thòm thèm được thưởng thức một nồi lẩu nóng hổi bên cạnh. Tuy nhiên, nấu lẩu thì cần tốn khá nhiều công sức và thời gian, từ chuẩn bị nguyên liệu, ninh hầm lấy nước cốt...
Tuy nhiên, hiện nay bạn có thể dễ dàng bắt gặp các sản phẩm lẩu tự sôi trên internet, không chỉ có lẩu mà cả cơm, cà phê, trà sữa... tất cả đều có thể tự làm nóng. Chính điểm tiện lợi và độc đáo này khiến các đồ ăn tự sôi trở nên phổ biến và được nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ rất yêu thích trong thời gian gần đây.
Dù vậy, những tai nạn về an toàn liên quan đến thức ăn tự hâm nóng cũng liên tục xảy ra tại Trung Quốc khiến nhiều người ăn không khỏi lo sợ và e ngại liệu rằng đồ tự sôi có thực sự nguy hiểm đối với sức khỏe hay không?
Trước tiên, chúng ta hãy hiểu thức ăn tự hâm nóng là gì?
Thực phẩm tự hâm nóng đi kèm với một túi hâm nóng, nhiệt độ của nó sẽ tăng lên khi gặp nước, và thời gian giữ nóng tối đa khoảng 3 giờ. Khi sử dụng, bạn chỉ cần đặt túi hâm nóng chuyên dụng dưới đáy hộp thức ăn rồi đổ một cốc nước lạnh vào để làm thức ăn được hấp chín.
"Thành phần chính của gói hâm nóng thức ăn tự hâm nóng bao gồm natri cacbonat, bột sắt, bột nhôm, bột than cốc, vôi sống... chỉ cần đổ nước lạnh vào gói hâm nóng là hộp thức ăn có thể được làm nóng nhanh chóng ở 150 độ C, dựa vào phản ứng hóa học để giải phóng nhiệt", ông Ruan Guangfeng, Giám đốc Phòng Khoa học và Công nghệ thuộc Trung tâm Trao đổi Thông tin Dinh dưỡng và Thực phẩm (Trung Quốc) cho biết.
Tuy nhiên, kể từ khi xuất hiện trên thị trường, sự cố cháy nổ thực phẩm tự hâm nóng thường xuyên xảy ra do người dùng sử dụng không đúng theo hướng dẫn và vô tình biến nó thành một "quả bom hẹn giờ" và tránh nó vì sợ hãi.
Về vấn đề này, ông Ruan Guangfeng cho rằng miễn là người dùng làm đúng theo hướng dẫn, thực phẩm tự làm nóng sẽ không phát nổ. Xiao Rong, Giám đốc Trung tâm R&D thuộc Chi nhánh Vật liệu Mới của Công ty TNHH Công nghệ Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Nam Kinh (Trung Quốc), cũng cho biết nếu người tiêu dùng có thể tự làm thức ăn tự hâm nóng theo đúng quy cách thì nhìn chung, những thực phẩm đó là an toàn; nếu họ không tuân theo các thông số kỹ thuật, sẽ có sự mất an toàn.
Do đó, Sở Cảnh sát PCCC Nam Kinh (Trung Quốc) đã từng đưa ra nhắc nhở người tiêu dùng trước khi ăn thức ăn tự hâm nóng phải đọc kỹ hướng dẫn sử dụng sản phẩm và thực hiện đúng hướng dẫn sử dụng sản phẩm, đặc biệt không ăn trong môi trường kín, hẹp như ô tô, toa tàu. Nếu sử dụng bàn ăn bằng kính tại nhà, tốt nhất bạn nên lót thêm miếng cách nhiệt bên dưới thức ăn tự hâm nóng để tránh nứt kính. Đồng thời, sau khi ăn xong, tránh để lượng lớn thức ăn thừa tự đun hoặc để nó tiếp xúc trực tiếp với nước, sau khi sử dụng, túi hâm nóng cũng cần được xếp vào loại chất thải nguy hại để xử lý.
Kém dinh dưỡng, hàm lượng natri quá cao, không thích hợp để tiêu thụ lâu dài
Vì thức ăn tự hâm nóng rất tiện lợi khi ăn nên nhiều người thường xuyên ăn thức ăn tự hâm nóng. Tuy nhiên, một số thông tin trên mạng xã hội cho rằng: Khi hâm nóng thức ăn tự làm nóng, nguồn nhiệt tiếp xúc trực tiếp với thức ăn, nếu nhiệt độ vượt quá 65 độ C, các chất độc hại trong đó sẽ ngấm vào thức ăn, lâu ngày không tiêu sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, hệ sinh sản và hệ thần kinh trung ương của con người, có thể gây ung thư ruột trong những trường hợp nặng.
"Thức ăn tự hâm nóng chỉ sử dụng nguồn nhiệt riêng để hâm nóng thức ăn. Nguồn nhiệt không tiếp xúc trực tiếp với thức ăn nên không ảnh hưởng đến việc tiêu thụ. Cách làm nóng này cũng giống như đun trong nồi hoặc lò vi sóng", ông Guangfeng chia sẻ.
Ảnh: Kknews
Về việc liệu loại thực phẩm này có gây ung thư ruột hay không, Feng Lin, Phó trưởng Khoa Nội tiết của Bệnh viện Ninh Đức, Đại học Y Phúc Kiến (Trung Quốc) cho biết, nguyên nhân gây ung thư ruột rất phức tạp, thực phẩm tự làm nóng có thể gây ung thư.
Mặc dù ăn thức ăn tự hâm nóng sẽ không gây ung thư ruột trực tiếp, nhưng nó cũng được coi là một thực phẩm tiện lợi, do đó, nó sẽ khó có thể cung cấp đa dạng và đủ dinh dưỡng cho cơ thể, hơn nữa hàm lượng natri (muối) khá cao nên không thích hợp để tiêu thụ lâu dài.
Lấy ví dụ với lẩu tự sôi, Giáo sư Liao Xiaojun tại Trường Khoa học Thực phẩm và Kỹ thuật Dinh dưỡng thuộc Đại học Nông nghiệp Trung Quốc cho biết các món ăn của những thương hiệu lớn đều rất giống nhau, hầu hết đều là món ăn trưa gồm thịt, miến, củ sen và các nguyên liệu khác, dinh dưỡng của nó không cân đối, chất béo, muối thường ở ngưỡng khá cao.
Theo bảng thành phần dinh dưỡng của một thương hiệu nổi tiếng về lẩu bò chua cay tự sôi ở Trung Quốc, hàm lượng chất béo trên 100g sản phẩm là 86,3g, vượt tiêu chuẩn cho phép tại nước này là 144%; hàm lượng natri là 5,9g, vượt tiêu chuẩn dinh dưỡng của Trung Quốc tới 295%.
Do đó, các chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng vẫn có thể sử dụng các loại thực phẩm tự sôi nhưng cần lưu ý 2 điểm để bảo vệ sức khỏe:
- Sử dụng thực phẩm tự sôi theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất.
- Không nên tiêu thụ thường xuyên thực phẩm tự sôi, không nên coi nó như một bữa ăn chính trong ngày.
Nguồn và ảnh: Nhật báo Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, Aboluowang, Kknews