Ngày 7/2 vừa qua, một chàng trai tên là Tiểu Lý (24 tuổi), sống ở Vũ Xương, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc đột ngột ngất xỉu sau khi ra ngoài tập thể dục sau bữa tối.
Anh nhớ lại: “Khi tôi đang đi nhanh, đột nhiên có các triệu chứng như nổi mẩn đỏ trên da, ngứa ngáy, chóng mặt và khó chịu khắp người. Sau đó tôi cảm thấy khó thở, rồi ngất xỉu và ngã xuống đất”. Bạn gái của anh ngay lập tức gọi xe cấp cứu. Trong khi chờ xe cấp cứu, anh từ từ tỉnh lại, nhưng vẫn còn co giật, sau đó anh được đưa đến khoa cấp cứu tại Bệnh viện Tianyou thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Vũ Hán.
Ảnh minh họa.
Bác sĩ Chung Vũ tại khoa cấp cứu chẩn đoán Tiểu Lý bị sốc phản vệ, ngay lập tức cho sử dụng thuốc điều trị chống dị ứng. Sau đó, bác sĩ đề nghị kiểm tra chất gây dị ứng trong cơ thể và biết được rằng, bệnh nhân dị ứng với bột mì, cồn, tôm, đậu phộng, đậu nành…
Trong trường hợp của Tiểu Lý, anh ngất xỉu lúc đi bộ nhanh là do sốc phản vệ thực phẩm (lúa mì) trong khi tập thể dục.
Bác sĩ Tạ Diễm Lệ, trưởng khoa nghiên cứu về sốc phản vệ cho biết: “Bạn có thể ăn thức ăn từ lúa mì và tập thể dục. Nhưng khi 2 hành vi này cùng xuất hiện một lần, nó sẽ gây ra sốc phản vệ. Đây là một loại sốc phản vệ do tập thể duc phụ thuộc vào thực phẩm, rất hiếm gặp”. Cuối cùng, Tiểu Lý cũng hiểu được tại sao mình lại ngất đi sau khi bước đi nhanh.
Lúa mì là nguyên nhân chính của hầu hết các trường hợp sốc phản vệ.
Phản ứng dị ứng nghiêm trọng do tập thể dục có liên quan tới thực phẩm là trường hợp đặc biệt. Nếu ăn uống hoặc tập thể dục riêng lẻ, cách nhau một khoảng thời gian lâu sẽ không gây ra phản ứng dị ứng. Nhưng kết hợp cả 2 sẽ gây ra bệnh.
Bác sĩ Tạ Diễm Lệ giải thích thêm: “Trong danh sách các loại thực phẩm gây sốc phản vệ, lúa mì là thủ phạm chính, chiếm 37% tổng số nguyên nhân gây ra. Tiếp theo đó là rau củ trái cây chiếm 20%, đậu phộng chiếm 7%, các loại hạt chiếm 5%. Về mức độ nghiêm trọng của bệnh, lúa mì gây ra 57% phản ứng dị ứng nặng, trong khi rau củ trái cây có xu hướng từ nhẹ tới trung bình”.
Tiểu Lý kể lại rằng, trước khi ngất xỉu anh đã ăn 100g bánh quy lúa mì và đi bộ rất nhanh vào thời điểm đó. Anh cũng nói rằng, mình có tiền sử bị dị ứng, suốt 7-8 năm qua, anh xảy ra dị ứng khoảng 8 lần. Tuy nhiên, đây là lần nghiêm trọng nhất, vì trước đây các phản ứng dị ứng khá nhẹ nên anh chủ quan. Anh cũng chưa bao giờ nghĩ rằng, ăn sản phẩm từ lúa mì kết hợp với tập thể dục lại gây ra dị ứng nguy hiểm như vậy.
Bác sĩ Tạ cho biết thêm, 68% các ca dị ứng nghiêm trọng xảy ra trong độ tuổi từ 18 đến 50. Nguyên nhân và các nhóm độ tuổi cũng khác nhau. 62% trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ từ 0 đến 3 tuổi dị ứng với sữa, 59% trẻ trong độ tuổi 4-9 do ăn rau quả, thanh thiếu niên và người lớn chủ yếu dị ứng với lúa mì và tỷ lệ này tăng theo độ tuổi.
Bác sĩ Tạ nhắc nhở rằng, sốc phản vệ do thức ăn, các triệu chứng ban đầu thường thấy là da mẩn đỏ, ngứa trước, sau đó là ngạt thở, sốc, mất dần ý thức. Trong những trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân sẽ tử vong trong nửa tiếng, chủ yếu là do ngạt thở.
“Một khi phát hiện dị ứng lúa mì trong quá trình điều trị, bạn không được phép ăn các loại thực phẩm như bánh mì, bánh bao, bánh quy… Đặc biệt, không tập thể dục trong vòng 6 tiếng sau khi ăn”, bác sĩ Tạ nói.
Không chỉ có tập thể dục, việc uống thuốc aspirin, thuốc cảm, rượu… cũng có thể gây ra sốc phản vệ do thực phẩm.