Đổ xô đi mua đồ dự trữ: Nguy cơ cao nhiễm Covid-19 dù có ý thức chuẩn bị ở nhà tránh dịch

Nhiều người dân đã có tâm lý đi mua đồ tích trữ, dễ tạo nên tình huống đông đúc ở các siêu thị, khu mua sắm.

Chỉ thị 16/CT-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành nêu rõ, yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.

Theo đó, đây là lần đầu tiên Việt Nam áp dụng biện pháp giãn cách xã hội phạm vi rộng như vậy để phòng chống dịch bệnh.

Nắm bắt được thông tin này, nhiều người dân đã có tâm lý đi mua đồ tích trữ, dễ tạo nên tình huống đông đúc ở các siêu thị, khu mua sắm.

Tuy nhiên, thực tế, việc làm này có thể vô tình tạo nên những không gian đông người, gây khó khăn cho việc giữ khoảng cách an toàn và làm tăng nguy cơ cao lây nhiễm dịch bệnh Covid-19, đi ngược lại hoàn toàn với những khuyến cáo trước đó của Bộ Y tế.

Dịch Covid-19 lây truyền qua các giọt bắn từ người bệnh trong quá trình tiếp xúc gần, vì vậy, Bộ Y tế đưa ra khuyến cáo cho người dân nên hạn chế tiếp xúc với những nơi đông người, giữ khoảng cách tối thiểu với người khác trong vòng bán kính 2m, đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay và khử trùng bề mặt.

Đổ xô đi mua đồ dự trữ: Nguy cơ cao nhiễm Covid-19 dù có ý thức chuẩn bị ở nhà tránh dịch - Ảnh 1.

Theo bác sĩ Trần Quốc Khánh, BV Hữu nghị Việt Đức, ở thời điểm này, chúng ta nên coi mọi người xung quanh đều là người bị bệnh, do đó, cần giữ khoảng cách an toàn là 2m.

Điều này vô cùng nguy hiểm, đặc biệt là khi dịch Covid-19 tại Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn 3, nguy cơ lây ra cộng đồng cực kỳ cao, nhiều ổ dịch hiện đã không thể xác định được ca mắc bệnh ban đầu như tại BV Bạch Mai.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng đã nhận định Nhà nước luôn đảm bảo nhu cầu nhu yếu phẩm một cách thường xuyên cho người dân, việc mua sắm ồ ạt sẽ tạo nên tình trạng “người dùng chẳng hết, người kiếm chẳng ra”, tức là những người thực sự cần mua thì lại không có hàng.

Do đó, trong thời gian cách ly toàn xã hội, ở nhà tránh dịch như hiện nay, người dân nên thực hiện đúng theo những khuyến cáo của Bộ Y tế: Hạn chế đến những nơi đông người, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, khử trùng các bề mặt tiếp xúc và bổ sung dinh dưỡng tăng cường sức đề kháng cho bản thân. Đặc biệt, không nên đổ dồn đi mua sắm đồ dự trữ, tránh tạo nên không gian đông người, có thể mua nhiều hơn một chút những nhu yếu phẩm cần thiết để hạn chế số lần di chuyển trong thời gian cách ly toàn xã hội nhưng tuyệt đối không nên mua quá nhiều.

Đổ xô đi mua đồ dự trữ: Nguy cơ cao nhiễm Covid-19 dù có ý thức chuẩn bị ở nhà tránh dịch - Ảnh 2.

Ngoài ra, khi đi siêu thị, mua sắm, người dân cũng nên nắm rõ 10 lưu ý để đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng:

1. Thay vì sử dụng đầu ngón tay, hãy dùng đầu gối, mũi chân, khuỷu tay hoặc khớp ngón tay.
2. Giữ khoảng cách an toàn, hạn chế đưa tay lên mặt.
3. Nên chọn sử dụng những hệ thống tự động (cửa mở tự động, vòi nước tự động…) khi ở khu mua sắm.
4. Chú ý vào vị trí bạn đặt, cầm điện thoại khi đi mua sắm.
5. Mang theo túi, giỏ đựng hàng riêng hoặc nếu sử dụng giỏ, xe hàng của khu mua sắm, hãy mang theo lọ nước sát khuẩn.
6. Đừng cầm nắm món hàng với bàn tay trần.
7. Chào người quen là đủ, không cần bắt tay, ôm hôn.
8. Hạn chế sử dụng tiền mặt.
9. Rửa tay ngay khi về nhà.
10. Sát khuẩn giày và thay bỏ quần áo.