Tại Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, trung bình 50 ca nhập viện mỗi ngày, có những ngày cao điểm, đơn vị tiếp nhận gần 60 người bệnh.
Tuy nhiên, quá nửa bệnh nhân đột quỵ nhập viện trong tình trạng rất nặng, qua giờ vàng của can thiệp, do người dân không có thói quen đi cấp cứu khi có dấu hiệu ban đầu. Nhiều người nghĩ rằng đột quỵ não là xuất hiện rầm rộ các triệu chứng như: ngã, liệt, nói ngọng, thậm chí hôn mê... nên những biểu hiện diễn ra một cách từ từ và kín đáo rất dễ bị bỏ qua.
PGS.TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cũng cho biết, nếu cùng lúc có 3 dấu hiệu dưới đây, đừng chậm trễ nhập viện vì nguy cơ đột quỵ rất cao.
(Ảnh minh họa).
Dưới đây là 3 dấu hiệu cảnh báo đột quỵ
- Liệt mặt: Mặt không cân xứng, miệng méo, nhân trung hơi lệch qua một bên, nếp mũi má bên yếu bị rũ xuống, đặc biệt khi bệnh nhân nói cười.
- Yếu tay chân: Yêu cầu bệnh nhân giơ đều hai tay lên cao, nếu bên nào yếu hơn, hoặc rơi xuống trước cho thấy có bất thường. Bệnh nhân không nhấc được tay, chân hoặc nhấc lên khó khăn, một bên cánh tay hoặc chân (hoặc cả hai) đột ngột yếu đi, tê bì.
- Nói khó: Hãy yêu cầu bệnh nhân nói, lặp lại một cụm từ đơn giản. Nếu bệnh nhân nói không lưu loát, đó là dấu hiệu bất thường.
PGS Tôn cho biết, đột quỵ thường xảy ra ở người cao tuổi, người có bệnh nền huyết áp, mỡ máu, tiểu đường... Với những yếu tố huyết áp, mỡ máu, tiểu đường, béo phì, thói quen hút thuốc... đột quỵ cũng có nguy cơ xảy ra ở người trẻ.
Theo PGS.TS. Mai Duy Tôn, "đột quỵ não - thời gian là não!" là phải chạy đua với thời gian để tới viện sớm nhất có thể khi có triệu chứng nghi ngờ. Đó là méo miệng một bên, nói ngọng, thất ngôn, yếu liệt hoặc tê bì tay chân một bên, mất thị lực đột ngột một hoặc hai mắt... Không được phép để mất một giây phút nào để nằm bất động đợi chờ tự hồi phục hay tự điều trị theo “phương pháp dân gian truyền miệng”.
Cơ hội để dùng thuốc tiêu sợi huyết chỉ có 4,5 giờ từ khi khởi phát. Cơ hội để can thiệp lấy huyết khối chỉ có 06 giờ đầu, ngoài ra một số trường hợp đặc biệt có thể tới 24 giờ. Nếu càng đến sớm bao nhiêu thì tỉ lệ điều trị thành công càng cao bấy nhiêu.
"Thời gian vàng" trong đột quỵ não hay “thời gian là não” là cụm từ để nhấn mạnh rằng, càng trì hoãn đột quỵ não thì càng có nhiều thiệt hại cho người bệnh. Tế bào não sẽ chết chỉ trong vài phút nếu không được cấp máu hoặc oxy. Đối với đột quỵ thiếu máu não, khi mạch máu lớn trong não bị tắc, cứ mỗi giây trôi qua có 32.000 tế bào não chết và cứ mỗi phút trôi qua sẽ có 1,9 triệu tế bào não bị chết. Cứ mỗi giờ trôi qua, số tế bào não chết tương ứng mất đi 3,6 năm tuổi thọ của người bình thường (đó là trong trường hợp người bệnh may mắn sống sót).
PGS. Tôn nhấn mạnh: "Thời gian vàng" trong đột quỵ thiếu máu não là 270 phút nếu sử dụng thuốc tiêu huyết khối làm tan cục máu đông hoặc trong 6 - 8 giờ nếu lấy huyết khối cơ học trong trường hợp tắc động mạch lớn trong não. Tuy nhiên, nếu người bệnh được điều trị càng sớm trong khoảng thời gian này thì cơ hội phục hồi, ít để lại di chứng càng cao. Ngược lại, nếu điều trị càng muộn trong “cửa sổ thời gian” này cơ hội phục hồi sẽ thấp đi.
Do vậy, PGS. Tôn đưa ra lời khuyên: Khi phát hiện bệnh nhân đột quỵ não, chúng ta cần đưa người bệnh vào viện ngay để điều trị càng sớm càng hiệu quả.