Sau lần tắm đêm, người đàn ông 42 tuổi (ở Hải Dương) đột ngột đau đầu, ý thức chậm dần rồi hôn mê. Nam bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) cấp cứu giờ thứ 3 trong tình trạng hôn mê. Dù được hồi sức cấp cứu tích cực nhưng tổn thương chảy máu não quá nặng, bệnh nhân hôn mê sâu không còn khả năng cứu chữa.
Ngã quỵ do tắm khuya
Cách đây ít ngày, người đàn ông 44 tuổi (ở Hà Nội) đã phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê sau khi tắm khuya. Gia đình cho biết bản thân anh không có tiền sử bệnh lý nhưng do đặc thù công việc nên có thói quen tắm đêm. Kết quả chẩn đoán cho thấy anh bị xuất huyết não với khối máu lớn, buộc phải phẫu thuật mở sọ để giải ép áp lực não. Hiện tại bệnh nhân vẫn phải điều trị tích cực, duy trì thở máy, tiên lượng rất nặng.
BS Nguyễn Ngọc Uyển, Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết khi miền Bắc bước vào đợt lạnh và có những ngày nhiệt độ giảm sâu thì số ca bệnh nhập viện cấp cứu do đột quỵ có xu hướng gia tăng. Hai bệnh nhân nói trên đều là những người khá trẻ, không có bệnh lý mạn tính, tình trạng tai biến xảy ra sau khi tiếp xúc với lạnh đột ngột, để lại di chứng nặng nề và đe dọa tính mạng.
Chăm sóc điều trị bệnh nhân đột quỵ tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Ảnh: NGỌC DUNG
Theo nhiều nghiên cứu, việc tiếp xúc với lạnh là yếu tố nguy cơ thúc đẩy sự gia tăng đột quỵ não, cả đột quỵ chảy máu não và đột quỵ nhồi máu não. "Thời tiết lạnh không chỉ gây co thắt mạch máu làm tăng huyết áp, mà còn làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, dẫn đến cả đột quỵ do xuất huyết não và nhồi máu não. Đặc biệt, thói quen tắm khuya đã trở thành nguyên nhân gây ra nhiều trường hợp đáng tiếc" - BS Uyển khuyến cáo.
Cảnh báo tình trạng đột quỵ là tổn thương tại não, dấu hiệu diễn ra rất nhanh, chậm cấp cứu có thể tử vong hoặc di chứng tàn phế, BS Nguyễn Minh Anh, Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cảnh báo trời lạnh khiến số lượng ca đột quỵ tăng là do nhiệt độ thấp có thể làm mạch máu co lại, gây tăng huyết áp, máu cô đặc dẫn đến hình thành cục máu đông gây đột quỵ.
Trong mùa này, nhiều người lười vận động, tập thể thao hơn, có thể là một yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ. Nhiều người khi thấy dấu hiệu chóng mặt, đau đầu, xây xẩm cho rằng mình bị trúng gió, chỉ cần đánh cảm hoặc cạo gió là khỏi. Tuy nhiên, đây cũng có thể là dấu hiệu của đột quỵ. Vì vậy, người dân cần phân biệt rõ để xử lý đúng cách, giúp giảm nguy cơ bị liệt, rối loạn ngôn ngữ, hôn mê, sống thực vật, thậm chí tử vong.
Bạo bệnh rình rập mùa đông
Theo BS Minh Anh, triệu chứng của trúng gió là cảm giác bủn rủn, mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt. Người bệnh có thể thêm triệu chứng xổ mũi, gai rét, sốt nhẹ. Còn đột quỵ là vấn đề xảy ra ở não, biểu hiện khu trú hơn, nhanh. Dấu hiệu được gói gọn trong 4 chữ: FAST.
Đó là sự biến đổi của khuôn mặt, bệnh nhân có thể bị liệt, méo miệng, nhân trung bị lệch, thể hiện rõ nhất khi bệnh nhân cười mở miệng lớn. Cùng đó, bệnh nhân cử động khó hoặc không thể cử động tay chân, tê liệt 1 bên cơ thể; khó nói, phát âm không rõ, nói dính chữ, nói ngọng bất thường. "Tỉ lệ tử vong do đột quỵ tại Việt Nam cao hơn thế giới. Bệnh có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Về mùa đông, tỉ lệ đột quỵ cao, nhất là thời điểm sáng sớm khi ngủ dậy. Nếu một người có 1 trong 3 dấu hiệu trên thì khả năng 70% là đột quỵ não. Khi đó hãy nhanh chóng gọi 115 hoặc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời" - BS Minh Anh nhấn mạnh.
Bệnh nhân điều trị đột quỵ tại Bệnh viện Nhân dân 115 (TP HCM). Ảnh: HẢI YẾN
Các bác sĩ cũng cảnh báo đột quỵ được xem là bệnh lý cấp tính, hay xảy ra rất đột ngột và hậu quả thường gây tử vong hay tàn phế về sau. Tuy nhiên, đây là căn bệnh hoàn toàn có thể phòng tránh được.
Hơn 70% bệnh nhân đột quỵ có thể phòng ngừa được nếu họ tuân thủ đúng liệu trình dùng thuốc dự phòng từ trước. |
Theo BS Uyển, để phòng ngừa đột quỵ hiệu quả trong mùa lạnh, cần giữ ấm cơ thể, nhất là vùng đầu và cổ. Khi tham gia hoạt động thể chất nên mặc nhiều lớp áo, khi cơ thể ấm lên sau vận động thì có thể cởi bỏ bớt và mặc vừa đủ giữ ấm cơ thể.
Nếu đang hoạt động ngoài trời lạnh, thấy đổ mồ hôi, như vậy cơ thể đang bị quá nóng và không ổn; nhất là đối với người có bệnh tim mạch thì tốt nhất nên nghỉ ngơi, cởi bớt áo khoác và vào ngay trong nhà.
Ngoài ra, cần chú ý đo huyết áp định kỳ, nhất là với người có tiền sử tăng huyết áp. Ăn nhiều rau xanh, trái cây, hạn chế chất béo, đường, muối. Tăng cường hoạt động thể dục nhẹ nhàng 30 phút mỗi ngày để hỗ trợ tim mạch cần tuân theo nguyên tắc không hoạt động quá sức. Chủ động khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời các yếu tố nguy cơ để đề phòng đột quỵ mùa lạnh.
Kiểm soát huyết áp, thích nghi với thời tiết
Bệnh viện Nhân dân 115 (TP HCM) mới đây cũng tiếp nhận điều trị bệnh nhân G.D.C. (60 tuổi, ngụ TP HCM) nhập viện trong tình trạng liệt nửa người, chân tay mất cảm giác. Bệnh sử trước khi nhập viện, khoảng 5 giờ sáng, sau khi dậy pha trà, ông bỗng nhiên liệt nửa người. Ngay sau đó, được người nhà đưa đến Bệnh viện Nhân dân 115 cấp cứu. Tại bệnh viện, sau khi thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán ông bị đột quỵ nhồi máu não. Theo lời kể của bệnh nhân, ông C. có thói quen hút khoảng một gói thuốc lá mỗi ngày và vừa phát hiện mình mắc bệnh tăng huyết áp sau khi nhập viện.
Đáng chú ý, bệnh nhân không biết bản thân bị tăng huyết áp. Bác sĩ cho biết tăng huyết áp và hút thuốc lá cũng là 2 yếu tố nguy cơ chính gây ra đột quỵ.
PGS-TS-BS Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội Đột quỵ TP HCM, Trưởng Khoa Bệnh lý Mạch máu não - Bệnh viện Nhân dân 115 (TP HCM), cho biết thời tiết cực đoan, đặc biệt là quá lạnh hoặc quá nóng, có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ, đặc biệt khi đi kèm với khí hậu ẩm ướt. Thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh đều có thể gây co dãn quá mức hệ thống mạch máu, dẫn đến tăng huyết áp và làm tăng hoạt động của tim. Đặc biệt, người lớn tuổi hoặc những bệnh nhân có sẵn bệnh nền như cao huyết áp, nếu không kiểm soát tốt, sẽ đối mặt với nguy cơ đột quỵ cao hơn.
Các nghiên cứu cũng cho thấy khi thời tiết thay đổi, cơ thể chưa kịp thích nghi có thể dẫn đến dao động huyết áp, đặc biệt là vào thời điểm chuyển mùa. Đây là nguyên nhân chính khiến huyết áp tăng cao, đặc biệt là ở bệnh nhân cao huyết áp lớn tuổi, những người không tuân thủ đúng liệu trình điều trị. Đối với bệnh lý xuất huyết não, huyết áp cao là nguyên nhân chủ yếu, chiếm hơn 90% các trường hợp.
PGS Thắng khuyến cáo rằng vào thời điểm cuối năm, người bệnh cần kiểm soát chặt chẽ các bệnh nền, đặc biệt là tăng huyết áp, vì huyết áp có thể tăng đột ngột khi thời tiết chuyển mùa. Người lớn tuổi, béo phì, hoặc những người có nhiều bệnh nền kèm theo là những đối tượng có nguy cơ cao mắc đột quỵ.
Cuối năm cũng là dịp có nhiều lễ hội và tiệc tùng, việc sử dụng bia rượu quá mức có thể làm huyết áp tăng nhanh chóng, do đó, việc hạn chế sử dụng bia rượu trong các dịp này là rất quan trọng. "Lời khuyên hữu ích cho bệnh nhân tăng huyết áp nên dự trữ thuốc kiểm soát huyết áp ở những nơi dễ nhớ, chẳng hạn như trong ví, trên bàn làm việc, hoặc nhà của người thân, bạn bè… để tránh quên uống thuốc.." - BS Thắng lưu ý.
Để phòng ngừa đột quỵ, các bác sĩ khuyến cáo huyết áp tâm thu nên duy trì dưới 130 mmHg ở mọi lứa tuổi. Với bệnh nhân đã từng bị đột quỵ, việc giảm huyết áp tâm thu xuống dưới 120 mmHg sẽ đạt hiệu quả phòng ngừa tối ưu. Hiện nay, việc kiểm soát huyết áp trở nên dễ dàng hơn nhờ sự phát triển của các thuốc phối hợp như Perindopril, Telmisartan, Valsartan kết hợp với Amlodipine, giúp tăng tính hiệu quả và dễ sử dụng, từ đó nâng cao tuân thủ điều trị.
Khi huyết áp được ổn định ở mức thấp nhất có thể, nguy cơ xuất huyết não sẽ giảm rất nhiều. Nghiên cứu chỉ ra rằng chỉ cần giảm huyết áp tâm thu 10 mmHg, tỉ lệ xuất huyết não đã giảm đến 64%. Chính vì vậy, việc duy trì huyết áp ở mức mục tiêu là vô cùng quan trọng để phòng ngừa các tai biến nguy hiểm như đột quỵ.
Cảnh báo mùa cao điểm Tại Bệnh viện Nhân dân 115 (TP HCM), có một hiện tượng lặp lại vào khoảng tháng 11, 12 cho đến đầu năm, tỉ lệ bệnh nhân nhập viện do xuất huyết não liên quan đến tăng huyết áp thường tăng rõ rệt vào cuối năm và đầu năm sau. Bệnh nhân nhập viện có đặc điểm chung là nam giới, huyết áp rất cao (nhưng không tuân thủ điều trị thuốc), thường xuyên uống bia rượu, hút thuốc lá và… bị xuất huyết não. Đây là dạng đột quỵ nghiêm trọng nhất, với tỉ lệ tử vong có thể lên đến 50%. |