Khi nói đến sức khỏe tai, chúng ta thường nghĩ ngay đến thính lực. Tuy nhiên, có một loại bệnh tai được gọi là "cholesteatoma", còn được biết đến như một "sát thủ" của tai. Nó không phải là khối u mà là một loại biến đổi bệnh lý ở tai, không chỉ ảnh hưởng đến thính lực mà trong trường hợp nghiêm trọng có thể đe dọa đến tính mạng.
Trường hợp của người đàn ông họ Wang 68 tuổi ở Ninh Đức (Phúc Kiến, Trung Quốc) là một ví dụ. Người này vốn chỉ mắc bệnh ở tình trạng nhẹ lại trở thành bệnh nặng do không chữa trị kịp thời. Hơn 30 năm trước, tai trái của ông Wang thường xuyên chảy mủ, nhưng mỗi lần chỉ cần nhỏ vài giọt thuốc tai là đỡ hơn, nhưng sau một thời gian lại tiếp tục chảy mủ, ông Wang cứ lặp đi lặp lại việc này trong từng ấy năm.
Hình ảnh chụp cholesteatoma tai giữa của ông Wang
Thời gian càng trôi, thính lực của ông Wang càng ngày càng giảm nghiêm trọng. Trong 6 tháng qua, ống tai của ông không chỉ tiếp tục chảy mủ mà còn kèm theo mùi hôi và máu, nhưng ông vẫn không quan tâm đến việc điều trị.
Một tuần trước, ông Wang bất ngờ cảm thấy một cơn đau nhói lan từ bên mặt trái đến vùng thái dương, kèm theo sốt cao và sức khỏe suy nhược. Gia đình ông hoảng sợ, đưa ông đến Bệnh viện Miền Đông ở thành phố Ninh Đức. Qua kiểm tra, bác sĩ đã phát hiện ra một sự thật đáng kinh ngạc - cholesteatoma ở tai giữa bên trái của ông Wang đã âm thầm phá hủy xương tai giữa, vi khuẩn xâm nhập vào não và gây ra nhiễm trùng sọ não, áp xe não, tình trạng rất nguy kịch. Ông Wang đã được chuyển đến Khoa Tai Mũi Họng của bệnh viện.
Mủ áp xe não được lấy ra sau cuộc phẫu thuật của ông Wang
Để điều trị, các bác sĩ tiến hành phẫu thuật rạch loại bỏ được cholesteatoma trong hốc tai giữa và dẫn lưu áp xe não dưới kính hiển vi tai cho ông Wang. Sau phẫu thuật, tình trạng sức khỏe của ông Wang đã phục hồi tốt, triệu chứng sốt và đau đầu hoàn toàn biến mất. Kết quả kiểm tra lại cho thấy nhiễm trùng sọ não của ông đã được kiểm soát hiệu quả.
Cholesteatoma được coi là kẻ giết người vô hình của tai. "Viêm tai giữa dạng cholesteatoma còn được gọi là viêm tai giữa nguy hiểm hoặc chết người, nó có thể ăn mòn xương tai giữa và xung quanh. Một khi nhiễm trùng lan theo xương bị phá hủy vào sọ não, có thể gây ra nhiễm trùng sọ não thậm chí hình thành áp xe não. Nhiều áp xe não đều xuất phát từ bệnh tai, và bệnh nhân có áp xe não do tai thường có tiền sử viêm tai giữa nhiều năm", bác sĩ Chen Mouan, Trưởng khoa Tai Mũi Họng của Bệnh viện Miền Đông giải thích.
Bác sĩ Chen Mouan nhắc nhở, viêm tai giữa dạng cholesteatoma tiến triển chậm, nhưng sự phá hủy của nó rất lớn và có thể gây ra tổn thương vĩnh viễn. Khi bị bệnh, bệnh nhân có thể trải qua việc ống tai chảy ra dịch màu xám hoặc vàng từng đợt và có thể dần mất đi một phần thính lực.
Ảnh minh họa
Nguy hiểm hơn, nếu tai giữa bị viêm lặp đi lặp lại, còn có thể phát triển thành viêm tai giữa dạng loét xương hoặc cholesteatoma. Khi xương bị ăn mòn, có thể dẫn đến liệt dây thần kinh mặt, viêm màng não, viêm não, áp xe não và các biến chứng ngoại và trong sọ khác.
Do đó, một khi chẩn đoán viêm tai giữa, không kể triệu chứng nhẹ hay nặng, cần được điều trị ngay lập tức. Đặc biệt là những bệnh nhân có tai tái diễn chảy mủ, thính lực giảm, không nên nghĩ rằng chỉ cần chịu đựng là sẽ qua. Cần đến bệnh viện để kiểm tra kỹ lưỡng.
Cách phòng tránh hàng ngày:
- Duy trì lối sống lành mạnh, chú ý kết hợp làm việc và nghỉ ngơi, ăn uống hợp lý, đảm bảo giấc ngủ.
- Tăng cường quản lý vệ sinh cá nhân, giữ cho không gian sống sạch sẽ, không khí lưu thông, tránh sự phát triển của vi khuẩn.
- Thường xuyên tham gia tập thể dục, tăng cường khả năng miễn dịch, có thể giảm nguy cơ mắc bệnh.
- Nguồn: QQ, Healthline