TS. BS Đỗ Thiện Hải – Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương nhấn mạnh bệnh lý COVID-19 ở trẻ em có thể có các biểu hiện lâm sàng và cácbiến chứng nặng nên các bác sĩ điều trị cần đặc biệt chú ý để xử trí kịp thời như: “Bão cytokine” (trạng suy hô hấp, suy đa tạng), co giật, viêm não, nhiễm trùng huyết, tổn thương thận cấp, viêm não.., Nhất là ở những trẻ có yếu tố nguy cơ cao như có bệnh nền, cần theo dõi sát các dấu hiệu nặng, đồng thời đảm bảo duy trì điều trị bệnh nền theo phác đồ.
TS. BS Đỗ Thiện Hải – Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương.
Mức độ nguy kịch được xác định khi suy hô hấp nặng SpO2 < 90%, cần đặt nội khí quản; Tím trung tâm, thở bất thường, rối loạn nhịp thở; Ý thức giảm, khó đánh thức hoặc hôn mê sâu; Trẻ bỏ bú/ ăn hoặc không uống được; Suy đa tạng; Cơn bão cytokine,… Lúc này bệnh nhân cần hỗ trợ hô hấp xâm nhập, sử dụng thuốc kháng virus, kháng sinh, chống đông, có thể cần lọc máu, ECMO.
Trường hợp trẻ phải nhập viện trong đợt mắc COVID-19 cấp tính, sau khi ra viện, nên cho trẻ đi khám lại theo lịch hẹn của cơ sở y tế.
Ngoài ra, dù trẻ không có các triệu chứng nghi ngờ của hậu COVID-19, cha mẹ có thể đưa trẻ tới khám bác sĩ Nhi khoa vào khoảng thời gian 4 – 12 tuần sau mắc COVID-19 để được kiểm tra, tư vấn về các vấn đề sức khỏe của trẻ.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, liên tục tiếp nhận một số trẻ có các dấu hiệu hậu COVID -19 từ nhẹ đến nặng. Đa số trẻ bị nhập viện điều chưa được tiêm phòng COVID-19, đáng chú ý đã có những bệnh nhi diễn biến rất nặng phải thở máy, lọc máu.
Theo TS. BS Phan Hữu Phúc – Viện trưởng Viện Đào tạo và Nghiên cứu Sức khỏe Trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương, biểu hiện của hậu COVID-19 với những trẻ có tiền sử đã mắc COVID-19 hoặc tiếp xúc với người mắc COVID-19, sống trong vùng dịch thường xảy ra như sau: Sốt nhẹ, khó thở, ho kéo dài; Trẻ bị mệt mỏi, đau cơ, tim đập nhanh, nổi ban đỏ hoặc xung huyết giác mạc; Trẻ bị ảnh hưởng đến trí nhớ, khả năng tập trung tư tưởng và rối loạn giấc ngủ; Trẻ bị rối loạn tiêu hóa: nôn, đau bụng, tiêu chảy; Có thể gặp dấu hiệu sốc, rối loạn đông máu, tổn thương thận cấp…
Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C) là tình trạng các bộ phận cơ thể khác nhau (trên 2 bộ phận) có thể bị viêm, bao gồm tim, phổi, thận, não, da, mắt hoặc các cơ quan tiêu hóa. Khi trẻ xuất hiện những tình trạng như sốt cao liên tục, phát ban, rối loạn tiêu hóa, nếu nặng hơn có thể gặp các biến chứng tim mạch, sốc,… thì cha mẹ cần đưa con tới các cơ sở y tế để biết có mắc hậu COVID-19 hay hội chứng viêm đa hệ thống hay không.
Đối với hội chứng MIS-C, không có chuẩn vàng để chẩn đoán, cần tập hợp nhiều triệu chứng lâm sàng và các xét nghiệm. Chẩn đoán bằng cách loại trừ với các bệnh lý khác (các bệnh lý có biểu hiện tương tự nhưng không liên quan đến COVID-19 như nhiễm trùng huyết, viêm ruột thừa cấp, viêm tiết niệu,.. Đặc biệt cần phân biệt nhất là giữa MIS-C và COVID-19 cấp tính; giữa MIS-C và Kawasaki (sốt cấp kèm phát ban toàn thân).
Về những triệu chứng cần lưu ý, TS. BS Phan Hữu Phúc cho biết: “Một trong những biểu hiện hậu COVID-19 mà nhiều người không để ý đó là các biểu hiện về thần kinh. Trong một nghiên cứu trên y văn với hơn 200 ca bệnh nhân MIS-C thì có khoảng gần 100 ca bệnh có những biểu hiện về thần kinh từ đau đầu, chóng mặt cho đến ngất và đột quỵ, có tới 3% bệnh nhân co giật,..
Hầu hết trẻ gặp phải Hội chứng MIS-C cần được điều trị trong bệnh viện. Hội chứng này tuy hiếm gặp nhưng nguy hiểm. Tuy nhiên, khi trẻ được phát hiện sớm và điều trị đúng, kịp thời thì diễn tiến thường thuận lợi, trẻ phục hồi tốt.