"Tình huống lúc đó như một trận chiến rượt đuổi với 'tử thần' để đưa bệnh nhân từ cửa tử trở về", bác sĩ Việt Anh, Khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, chia sẻ ngày 11/1.
Gia đình cho biết, khoảng 23h hôm 10/1, bệnh nhân đau ngực dữ dội, khó thở, kích thích vật vã. Trên đường đi cấp cứu, tình trạng ngày càng nguy kịch. Người bệnh tím tái, ngừng tim, ngừng thở khi còn cách Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương khoảng 500 m. Các nhân viên y tế trên xe cứu thương nhanh chóng ép tim ngoài lồng ngực để duy trì tuần hoàn cho người bệnh.
Tại phòng cấp cứu, người bệnh đã hôn mê sâu, không bắt được mạch, da lạnh tái, toan chuyển hóa nặng, "tiên lượng lành ít dữ nhiều". Các bác sĩ Khoa Hồi sức Cấp cứu và Tim mạch triển khai mọi biện pháp tối ưu như sốc điện chuyển nhịp, bóp bóng, đặt nội khí quản trong thời gian ngắn nhất. Sau 30 phút, mạch bệnh nhân trở lại.
Giây phút "rượt" đuổi tử thần cứu người bệnh ngừng tim nguy kịch. Video: Bệnh viện cung cấp
Bác sĩ xác định nguyên nhân ngừng tim do nhồi máu cơ tim cấp, chỉ định đặt stent tái thông. Sau một ngày, sức khỏe bệnh nhân tạm ổn định, đang tiếp tục được theo dõi để kịp thời phòng ngừa biến chứng.
Ngừng tuần hoàn hô hấp là trạng thái gián đoạn đột ngột hoạt động bơm máu của tim, khiến máu không thể lưu thông tới các bộ phận khác của cơ thể. Theo lý thuyết, người bệnh không có mạch, tim không đập trở lại sau khi ép tim ngoài lồng ngực và hỗ trợ thở oxy (CPR) 30-60 phút, tức là cấp cứu không thành công.
Mục đích cao nhất của cấp cứu ngừng tuần hoàn là duy trì nhịp thở, quá trình vận hành của nhịp tim, ngăn nguy cơ não ngừng hoạt động với biến chứng gây tổn thương các bộ phận khác trong cơ thể.
Khi rơi vào trạng thái ngừng tuần hoàn, bệnh nhân đối diện với nguy cơ thiếu máu mang oxy tới cơ quan. Đây cũng là nguyên nhân gây tử vong hoặc biến chứng tổn thương não vĩnh viễn trong thời gian vài phút. Nếu phát hiện sớm và cấp cứu nhanh chóng, đúng cách thì nạn nhân có thể thoát được những mối nguy này.