Trong chiều nay (8/3), thành phố có kế hoạch phân bổ số lượng vắc-xin cụ thể cho các nhóm đối tượng theo tinh thần của Nghị quyết 21 ngày 26/2 của Thủ tướng Chính phủ và sự chỉ đạo của UBND thành phố.
Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, cho biết ngày mai, 9/3, Hà Nội sẽ bắt đầu triển khai tiêm vắc-xin COVID-19 tại Bệnh viện Thanh Nhàn. Dự kiến có 30 nhân viên y tế đầu tiên sẽ được tiêm tại đây.
Tiêm vắc-xin COVID-19 cho nữ nhân viên y tế Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, sáng 8/3.
Tiếp theo, sẽ có khoảng 300 cán bộ của CDC Hà Nội được tiêm vắc-xin COVID-19 và các nhóm đối tượng theo Nghị quyết 21. Đây là những trường hợp thường xuyên phải tiếp xúc với nguồn bệnh.
Sở Y tế Hà Nội giao CDC Hà Nội xây dựng kế hoạch chi tiết việc triển khai thực hiện tiêm chủng vắc-xin COVID-19, chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan để tiếp nhận, phân bổ và sử dụng vaccine, đồng thời thực hiện việc rà soát, lập danh sách những đối tượng cần được tiêm trong đợt này. Cùng với đó, phối hợp các đơn vị bố trí điểm tiêm chủng vắc-xin COVID-19, giám sát việc triển khai tại các điểm tiêm, quản lý, theo dõi đối tượng sau tiêm chủng.
TS Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, việc tiếp nhận và sử dụng vắc-xin COVID-19 sẽ được thành phố triển khai thực hiện cho các nhóm đối tượng và theo từng giai đoạn cụ thể, bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh một cách hiệu quả.
GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn điều trị COVID-19, cho biết thống kê của quốc tế cho thấy cán bộ y tế chiếm 10% ca nhiễm, tại Việt Nam tỉ lệ này rất thấp. Đến nay sau hơn 1 năm có dịch, nhân viên y tế vẫn an toàn, nhờ những kinh nghiệm trong những lần chống đại dịch trước như SARS 2003 và cập nhật những hướng dẫn phòng vệ.
Tiêm vắc-xin là một dị nguyên đưa vào cơ thể, bất kỳ thuốc, hoá chất, sinh phẩm nào đưa vào cơ thể đều có tác dụng phụ. Thông thường, người tiêm sẽ đau ở nơi tiêm, có người áp xe nơi tiêm, nặng hơn là sốc phản vệ. Theo GS Kính, thuốc kể cả kháng sinh đều có thể xảy ra sốc phản vệ khi đưa vào cơ thể. Do đó, việc thăm khám, hỏi kỹ tiền sử bệnh tật (có dị ứng, sốc, bệnh nền, yếu tố nguy cơ...), cùng đó sự chuẩn bị cơ sở vật chất để xử lý những biến cố bất lợi, hay sốc phản vệ, rất quan trọng.
Thông thường, với vắc-xin COVID-19, sau 2 mũi tiêm cơ bản (cách nhau 21 ngày) sẽ có miễn dịch trong cơ thể người tiêm.