Mai Kim Hương (28 tuổi), đang làm kinh doanh tự do ở TP.HCM. Trước đây, chị quen một người đàn ông Ấn Độ qua mạng rồi chóng vánh kết hôn trong vòng 5 tháng. Tuy nhiên, khi về chung sống, trong khi Hương xoay sở bán hàng online tại nhà thì chồng không đi làm gì, chỉ “ôm” điện thoại, còn liên tục đòi quan hệ, có ngày tới 4-5 lần.
Sống với nhau được 2 tháng, Kim Hương muốn hai vợ chồng đi khám để chuẩn bị cho việc có con cũng như xem chồng có bị bệnh “nghiện” tình dục hay không. Đúng lúc đó, người chồng Ấn Độ đặt vé máy bay về nước, nói để lo công việc và sắp xếp sẽ đưa Kim Hương sớm về ra mắt gia đình. Tuy nhiên, sau đó, người đàn ông này cắt đứt mọi liên lạc. Khi nhận ra mình bị lừa tình, Kim Hương quyết định ly hôn.
Vừa ly hôn với người chồng xong, Kim Hương nhận kết quả mình mắc giang mai từ bạn trai mới quen 2 tháng. (Ảnh minh họa)
Sau khi mọi thủ tục giải quyết ly hôn với chồng cũ kết thúc, Kim Hương chấp nhận yêu một người đàn ông Pháp. Tuy nhiên, yêu nhau được khoảng 2 tháng, chị thấy mình bị sốt, đau đầu, miệng và vùng kín xuất hiện những nốt ban đỏ. Dù đã uống và bôi thuốc nhưng các triệu chứng này không bớt, chị nghi mình có thể đã mắc bệnh xã hội vì từng quan hệ tình dục với anh ta bằng miệng và một lần không dùng biện pháp an toàn nên đã đi khám.
Từ các kết quả xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán, chị Kim Hương mắc bệnh giang mai. May mắn, bệnh của chị đang ở giai đoạn thứ phát nên bác sĩ kê thuốc uống, rửa bằng dung dịch vệ sinh và khuyến cáo chị nên kiêng quan hệ. Vị bác sĩ cũng trấn an, bệnh của Kim Hương sẽ điều trị khỏi, vì vậy chị không nên lo lắng, có những suy nghĩ tiêu cực.
Điều làm Kim Hương bất ngờ là sau khi biết tin, anh bạn trai người Pháp đổ lỗi cho chị là nguồn lây bệnh và một hai đòi chia tay. “Khi quan hệ với chồng, tôi có sức khỏe bình thường. Khi anh ấy về nước đến khi kết thúc giai đoạn ly hôn, tôi không quan hệ với ai, cho đến khi gặp người tình vừa rồi, sao lại là người truyền bệnh được. Tôi thực sự hoang mang", chị Kim Hương chia sẻ.
Quan hệ tình dục lành mạnh, chung thủy với bạn tình là một cách tránh nhiễm bệnh xã hội. (Ảnh minh họa)
Theo BS.CKII Đoàn Văn Lợi Em, Phó Trưởng khoa Lâm sàng 3, Bệnh viện Da liễu TP.HCM, nguyên nhân chủ yếu khiến nhiều người mắc bệnh giang mai do xoắn khuẩn Treponema pallidum gây ra. Vi khuẩn này được lây truyền chủ yếu qua 3 con đường: Quan hệ tình dục, từ máu và từ mẹ sang con. Trong đó, thường gặp nhất vẫn là do quan hệ tình dục không lành mạnh như quan hệ qua đường miệng, hậu môn và không mang bao cao su.
Một vấn đề đáng lưu ý là do phần lớn bệnh giang mai không có triệu chứng hoặc triệu chứng không quá rầm rộ nên người bệnh không nhận biết kịp thời để đi khám bệnh. Nhiều trường hợp, bệnh chỉ biểu hiện với một vết loét duy nhất. Tuy nhiên, vết loét của giang mai thường không đau, không gây khó chịu nên thường bị bệnh nhân bỏ sót. Sau một thời gian, vết loét cũng sẽ tự lành mặc dù không điều trị. Với những người này, khi quan hệ tình dục sẽ lây bệnh cho bạn tình hoặc sẽ vô tình truyền bệnh cho người khác bằng các vật dụng hằng ngày... Ở trường hợp của chị Kim Hương, có thể bạn trai chị mắc giang mai thuộc trường hợp này nên đã lây bệnh cho bạn gái, hoặc ngược lại.
Những người phụ nữ mắc giang mai thường bị rụng tóc nhiều. (Ảnh minh họa).
Bác sĩ Lợi Em cho biết, theo thống kê, tỷ lệ nam giới mắc giang mai cao hơn phụ nữ, có thể do những người này có tần suất quan hệ tình dục cao hơn, thường quan hệ với nhiều bạn tình “lạ” hơn so với nữ.
Ở nữ giới, giang mai thường lây qua đường tiếp xúc với tổn thương giang mai, đường máu và quan hệ tình dục không an toàn. Dấu hiệu bị giang mai ở nữ thường là: rụng tóc, sốt, đau họng, trong đó dễ nhận biết nhất là sự xuất hiện của một hoặc vài vết loét ở miệng hoặc cơ quan sinh dục.
Bác sĩ cho rằng, giang mai là căn bệnh xã hội có khả năng lây lan rất nhanh và dễ gây ra biến chứng nếu không được điều trị cẩn thận nhưng nhìn chung, ở nữ bị bệnh thường không nguy hiểm, có tỷ lệ điều trị khỏi bệnh cao.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Em, do bệnh giang mai chưa có vắc xin phòng bệnh nên chúng ta cần tự phòng bệnh cho mình bằng cách:
- Nên chung thủy một vợ một chồng, không nên quan hệ tình dục bừa bãi.
- Sử dụng bao cao su để làm giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh, đặc biệt chú ý che chắn các vùng bị tổn thương.
- Tránh dùng thuốc kích thích, rượu bia để giữ khả năng phán đoán đúng, tránh các hành vi tình dục không an toàn.
- Không dùng chung các vật dụng cá nhân với người khác để tránh vi khuẩn còn bám lại trên bề mặt và lây qua các vết thương hở.
- Nếu phát hiện có bệnh giang mai trước khi sinh con, người mẹ cần thông báo với bác sĩ để được hướng dẫn cách chăm sóc bản thân và ngăn ngừa lây nhiễm cho bé.
- Tuân thủ lịch khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần hoặc khám theo lời dặn của bác sĩ.
- Tăng cường sức đề kháng bằng cách xây dựng thực đơn cân bằng, tập thể dục thường xuyên, tránh căng thẳng.
- Nếu không may mắn bị bệnh, ngay khi biết mình có dấu hiệu bệnh giang mai, các chị em hãy đến ngay bệnh viện hoặc cơ sở y tế để thăm khám và được bác sĩ chẩn đoán bệnh chính xác.
- Dù đã được điều trị giang mai, nhưng người bệnh vẫn có nguy cơ tái nhiễm, nên tuân thủ liệu trình và thực hiện các biện pháp phòng bệnh do bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo.
* Tên bệnh nhân trong bài đã thay đổi.