Sau khi mắc Covid-19, không nhận ra mùi cháy nhà
Cô Edelmira Rivera đang nằm trên giường với chồng và con trai 16 tháng tuổi để xem phim thì nghe thấy một tiếng nổ lớn bên ngoài căn nhà ở Waco, Texas (Mỹ). Rồi em gái của Edelmira hét lên: "Cháy rồi!".
Edelmira, 22 tuổi, cho biết: "Tôi đặt mọi thứ xuống, lập tức bế con trai và lấy chăn của nó. Tôi không thể ngửi thấy mùi gì. Tôi đã rất sốc khi nhìn thấy ngọn lửa ở cửa trước".
Edelmira có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 và mất khứu giác vào ngày 14/1/2020. Khi lửa bùng lên ở bên ngoài nhà, cô không thể ngửi thấy gì.
Edelmira Rivera và gia đình của mình
Em gái của Edelmira, Bianca Rivera, 19 tuổi, ngửi thấy mùi khét từ phía bên kia của ngôi nhà, ban đầu nghĩ rằng Edelmira làm bỏng ngô trong bếp. Nhưng khi ngửi thấy mùi nhựa cháy, Biance bước ra khỏi phòng và nhìn thấy khói ở hành lang. Cô nhanh chóng hét lên và kêu gọi 7 người và 3 con chó ra khỏi nhà an toàn.
Giống như Edelmira, hàng triệu người trên toàn thế giới đã bị thay đổi khứu giác hoặc vị giác sau khi mắc COVID-19. Trong hầu hết các trường hợp, các triệu chứng thường chỉ kéo dài vài tuần.
Tuy nhiên, một năm sau đại dịch, các nhà nghiên cứu vẫn không chắc chắn khi nào một số người khỏi COVID-19 có thể lấy lại khứu giác hoặc vị giác nếu có thể - và nhiều người đang phải vật lộn với những tác động lâu dài của sự suy giảm hoặc mất đi một giác quan quan trọng.
Một triệu người sẽ bị suy giảm giác quan kinh niên?
Bác sĩ Jay Piccirillo, một chuyên gia tai mũi họng và giáo sư tại Trường Y thuộc Đại học Washington (Mỹ), người đang nghiên cứu chủ đề này, cho biết: "Khi đại dịch tiếp diễn, chúng tôi ngày càng hiểu hơn về tác động lâu dài, mãn tính của COVID đối với khứu giác và vị giác".
"Những điều chúng tôi biết được cho thấy rằng hầu hết mọi người đều phục hồi được khứu giác và vị giác, nhưng không phải tất cả", bác sĩ Piccirillo.
Bác sĩ cũng dự đoán trong năm tới sẽ có ít nhất một triệu ca mắc mới ở Mỹ bị suy giảm khứu giác hoặc vị giác kinh niên do COVID-19.
Chuyên gia dự đoán trong năm tới sẽ có ít nhất một triệu ca mắc mới ở Mỹ bị suy giảm khứu giác hoặc vị giác kinh niên do COVID-19
Các nghiên cứu cho thấy có đến 80% bệnh nhân COVID-19 bị rối loạn chức năng khứu giác hoặc vị giác. Một số bị giảm khả năng ngửi hoặc nếm. Một số bị mất hoàn toàn khả năng này. Và một số người thấy giác quan thay đổi, khi một số vị và mùi không còn giống như trước hoặc trở nên khó chịu.
Bác sĩ Evan Reiter, một chuyên gia tai mũi họng và giáo sư tại Đại học Commonwealth Virginia (Mỹ), người nghiên cứu vấn đề này, cho biết ông đang thấy tỷ lệ tương tự của bệnh nhân báo cáo rối loạn chức năng khứu giác và vị giác.
Hầu hết mọi người lấy lại giác quan trong vòng vài tuần, nhưng khoảng 5-10% sẽ tiếp tục các triệu chứng sau sáu tháng, Piccirillo nói. Tại thời điểm đó, các giác quan có thể sẽ không bao giờ quay trở lại, ông nói.
Các nhà khoa học đã biết ngay từ những ngày đầu của đại dịch rằng rối loạn khứu giác có liên quan đến các ca COVID-19 nhẹ và ở những trẻ tuổi. Một nghiên cứu được công bố vào đầu tháng này trên Tạp chí Nội khoa đã ủng hộ kết luận này.
Trong số hơn 2.500 bệnh nhân COVID-19 tại 18 bệnh viện châu Âu trong nghiên cứu, hơn 74% cho biết khứu giác bị thay đổi và 46% cảm nhận vị giác bị thay đổi. Trong đó, phần lớn xảy ra ở các bệnh nhân trẻ tuổi hơn và bệnh nhẹ hơn.
Tin tốt là hơn một nửa số bệnh nhân có khứu giác thay đổi đã thấy các triệu chứng của họ biến mất trong vòng một tháng. Sau 6 tháng, 95% bệnh nhân báo cáo sự thay đổi khứu giác biến mất. Đối với 5% còn lại, tương lai vẫn chưa rõ ràng.
Bác sĩ Pam Dalton, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Monell Chemical Senses ở Philadelphia (Mỹ), cho biết bệnh nhân không nên từ bỏ hy vọng. Một số người bị mất khứu giác do nhiễm virus gây cảm lạnh thông thường đã lấy lại được khứu giác sau vài năm, cô nói.
Dalton cho biết: "Có bằng chứng từ các loại virus khác cho thấy chúng có thể phá vỡ hệ thống theo những cách khác nhau mà quá trình khôi phục có thể xảy ra sau sáu tháng".
Hiện, nhiều nghiên cứu về cách virus corona phá vỡ các giác quan như vị giác và khứu giác đang được tiến hành.
(Nguồn: USA Today)