Anh Trần Xuân M. đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc sau khi khỏi COVID-19 được 1 tháng. Anh chia sẻ, khi bị bệnh chỉ có triệu chứng nhẹ, âm tính trở lại sau 4 ngày, SpO2 đo được là 98%, nhịp tim bình thường. Nhưng sau đó anh bị khó ngủ, thường thức giấc lúc 3h sáng. Tình trạng này kéo dài đã hơn 1 tháng nay khiến anh vô cùng mệt mỏi, đau đầu, không tập trung nổi trong công việc. Tuy nhiên, anh M. vẫn trì hoãn đi khám, một phần vì chủ quan nghĩ bệnh sẽ tự khỏi, một phần vì sợ việc sử dụng thuốc an thần sẽ gây tác dụng phụ.
Trường hợp của anh M. khá phổ biến, có thể gặp ở nhiều bệnh nhân sau khi khỏi COVID. Vậy liệu anh M. cũng như những bệnh nhân mất ngủ hậu COVID-19 khác nên làm gì để chấm dứt tình trạng trên?
Hãy tham khảo ý kiến dưới đây của ThS. BSCK II. Bùi Thanh Tiến - Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc.
ThS. BSCK II. Bùi Thanh Tiến - Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc
Khi bị nhiễm COVID-19, hệ thống miễn dịch của cơ thể sản xuất cytokine, chemokine và những thứ khác thúc đẩy quá trình viêm chống lại vi-rút. Nếu hệ miễn dịch của cơ thể không kiểm soát đúng cách, nó sẽ gây hại cho chính tế bào thần kinh của người bệnh. Khi hệ thống thần kinh trung ương bị tổn thương sẽ gây nên các chứng rối loạn giấc ngủ, đau đầu…
Bên cạnh đó, một số người bệnh sau khi khỏi COVID có thể rơi vào trạng thái trầm cảm do căng thẳng tâm lý, stress, đau khổ vì mất người thân, thất nghiệp, mất thu nhập... Nếu stress tiếp tục kéo dài sẽ gây hại cho cơ thể, dẫn tình trạng tới rối loạn lo âu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới giấc ngủ của người bệnh.
Vậy với chứng rối loạn giấc ngủ hậu COVID-19, khi nào chúng ta cần dùng thuốc an thần?
Thể nhẹ, trung bình, bệnh nhân khó vào giấc ngủ, đang ngủ thì tỉnh giấc, có thể tự xử trí tại nhà. Bác sĩ Tiến cho biết, với thể nhẹ, can thiệp hiệu quả nhất là tập thể dục, tập ngủ sớm và vật lí trị liệu. Ngoài ra cũng có thể sử dụng những thực phẩm tốt cho giấc ngủ như thịt đỏ, tâm sen, đinh lăng…
Thể nặng là mất ngủ hoàn toàn, mất ngủ kéo dài, có dấu hiệu suy nhược thần kinh, thì bắt buộc phải sử dụng thuốc tân dược dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.
“Khi thăm khám cho các bệnh nhân hậu COVID-19, tôi hạn chế tối đa việc kê thuốc an thần nặng như Seduxen, Diazepam… Nhóm thuốc này có thể khiến bệnh nhân cảm thấy mệt hơn, uể oải hơn. Sử dụng thuốc nhóm benzodiazepine kéo dài quá 2-3 tuần có thể gây phụ thuộc thuốc.
Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân trước khi khám đã tự ý sử dụng thuốc và dùng quá liều dẫn đến tình trạng lú lẫn, uể oải, thực hiện động tác không chính xác. Nhưng họ lại hiểu nhầm đó là hệ quả của COVID-19 mà không biết rằng nguyên nhân thực sự là từ việc dùng sai thuốc”, bác sĩ Thanh Tiến cho biết.
Dùng sai thuốc an thần, bệnh nhân bị nặng hơn nhưng lại nghĩ do mình vẫn bị COVID-19
Đối với phương pháp giảm mất ngủ hậu COVID-19, bác sĩ Tiến nhấn mạnh: “Hạn chế ánh sáng xanh - đây là khuyến cáo đầu tiên của tôi với những bệnh nhân mất ngủ hậu COVID-19. Khi bị COVID-19, phải cách ly, với nhiều người niềm vui lớn nhất là dùng điện thoại, vi tính. Nhưng nếu tiếp xúc với ánh sáng xanh nhiều giờ, đặc biệt vào ban đêm, trí não sẽ bị kích thích, chuyển trạng thái hưng phấn sang ức chế. Vô hình trung, đó cũng là một nguyên nhân khiến bệnh nhân không thể ngủ sâu giấc”.
Ngoài ra, bác sĩ Tiến cũng chia sẻ một số phương pháp cải thiện giấc ngủ khác như:
- Tập thể dục thay vì xem điện thoại để ngủ lại: Nếu không thể ngủ lại khi bị mất ngủ, thay vì cố nằm trên giường để xem điện thoại, hãy đứng dậy thể dục nhẹ nhàng. Tập thể dục sẽ giúp cơ thể thoải mái hơn, khí huyết lưu thông, cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Tập thể dục là một trong những phương pháp hiệu quả cải thiện tình trạng mất ngủ
- Thiết lập thói quen ngủ sớm và đúng giờ, không ngủ bù vào buổi trưa: Thay vì ngủ khi thấy buồn ngủ, hãy tập thói quen ngủ vào một giờ cố định và không thức khuya. Ngoài ra không nên ngủ trưa quá nhiều để bù đắp cho giấc ngủ tối. Điều này dễ làm tình trạng mất ngủ nặng nề thêm.
- Bổ sung thịt đỏ, sử dụng mật ong, tâm sen… và hạn chế tối đa chất kích thích: Thực phẩm chứa sắt (thịt đỏ) cùng các thực phẩm kích thích tuyến tụy tiết ra insulin như mật ong, tâm sen… sẽ giúp người bệnh dễ đi vào giấc ngủ hơn.