Hen suyễn ngày càng phổ biến và trẻ hóa, đây là 6 thói quen cần thay đổi để nâng cao sức khỏe

Mặc dù hen là bệnh không chữa khỏi được nhưng nó có thể được kiểm soát và phòng ngừa thông qua việc điều chỉnh thói quen ăn uống, sinh hoạt lành mạnh.

Ước tính có khoảng 300 triệu bệnh nhân hen suyễn trên toàn thế giới và đến năm 2025 số bệnh nhân hen suyễn sẽ tăng lên 400 triệu người. Theo Sở Y tế TP.HCM, tại Việt Nam, tỷ lệ mắc hen trung bình khoảng 3,9% dân số (trẻ em từ 13 - 14 tuổi chiếm 14,8%) tương đương khoảng 4 triệu người mắc và lấy đi sinh mạng của 3000 - 4000 người/năm. Các cuộc khảo sát cho thấy hen suyễn là nguyên nhân gây tử vong và tàn tật đứng hàng thứ hai trên thế giới sau ung thư.

Bệnh hen suyễn (hay còn gọi là hen phế quản) là một bệnh viêm đường thở mãn tính tương đối phổ biến, bệnh sẽ mang đến nhiều triệu chứng khó chịu cho người bệnh và làm giảm sút nghiêm trọng chất lượng cuộc sống hàng ngày của người bệnh. Bệnh đặc biệt hay gặp ở trẻ nhỏ.

Hen suyễn ngày càng phổ biến và trẻ hóa, đây là 6 thói quen cần thay đổi để nâng cao sức khỏe - Ảnh 1.

BS CKI Trần Văn Bàn - Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Hồng Ngọc

Tuy nhiên, căn bệnh này có những biểu hiện thường gây nhầm lẫn khiến việc phát hiện và điều trị trở nên chậm trễ hơn. Theo BS CKI Trần Văn Bàn - Trưởng Khoa Nhi, BVĐK Hồng Ngọc, ''hen là một bệnh mãn tính đường hô hấp, xảy ra ở tất cả mọi người, đặc biệt là trẻ em. Dấu hiệu lâm sàng của bệnh hen rất dễ nhận biết, điển hình là ho, khò khè, khó thở. Tuy nhiên, 3 dấu hiệu này cũng rất dễ gặp ở các bệnh khác dẫn đến nhầm lẫn, ví dụ như viêm phổi''.

Dấu hiệu dễ nhầm lẫn ở bệnh hen suyễn

Để nhận biết trẻ có bị hen hay không và đưa đi khám sớm, cha mẹ cần nắm được những điều sau: Tính chất của hen có ho từng cơn nhiều lần, đặc biệt liên quan đến thay đổi thời tiết hoặc tiếp xúc với các yếu tố dị nguyên làm khởi phát cơn ho như lông chó mèo, mùi sơn, mùi nước hoa...

Đi kèm cơn ho thường có các cơn khò khứ có thể nghe thấy rõ, kèm khó thở, đặc biệt là khi vận động gắng sức. Còn trong viêm phổi, trẻ ho khởi phát cấp tính thường kèm sốt, khó thở.

Do đó, BS. Bàn lưu ý tốt nhất, để biết chính xác trẻ có bị hen hay không, cha mẹ cần đưa con đi khám sớm để phát hiện kịp và điều trị kịp thời.

6 thói quen cần thay đổi để nâng cao sức khỏe

1. Trước hết, tránh tiếp xúc với dị nguyên các yếu tố dị ứng thường gặp là: mạt bụi, vết bẩn của chó mèo, nấm mốc, phấn hoa, sữa, trứng, tơ tằm, lông vũ, bướm đêm, bông gòn, nấm… đều là những nguyên nhân gây nên dị ứng. Một số loại thuốc có thể gây ra bệnh hen suyễn, chẳng hạn như thuốc hen suyễn do aspirin gây ra, nếu bạn bị dị ứng với các loại thuốc này thì nên cẩn trọng và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.

2. Tránh hít phải khói, bụi và các mùi như dầu thực vật, xăng hoặc sơn, không khí lạnh, chú ý đeo khẩu trang nếu cần.

Hen suyễn ngày càng phổ biến và trẻ hóa, đây là 6 thói quen cần thay đổi để nâng cao sức khỏe - Ảnh 3.

3. Mùa xuân khí hậu hay thay đổi dễ bị nhiễm vi sinh vật, cần chú ý giữ ấm để tránh bị cảm lạnh và viêm đường hô hấp.

4. Tránh làm việc quá sức: Lao động thể lực cường độ cao hoặc kéo dài, các môn thể thao cạnh tranh cường độ cao có thể gây ra bệnh hen suyễn.

5. Tránh căng thẳng về tinh thần: Tâm trạng thất thường như lo lắng, buồn phiền, làm việc quá sức có thể dẫn đến cơn hen suyễn.

6. Yếu tố nghề nghiệp: Ví dụ, người lao động làm việc trong ngành dược phẩm và các xí nghiệp hóa chất bị dị ứng với một số loại thuốc hoặc nguyên liệu, cần chú ý bảo hộ trong quá trình làm việc.

https://ahadep.com/hen-suyen-ngay-cang-pho-bien-va-tre-hoa-day-la-6-thoi-quen-can-thay-doi-de-nang-cao-suc-khoe-20220212101326304.chn