Vì sao tử vong khi tập thể dục?
Sáng 5/6, hoa hậu Việt Nam năm 1994 Thu Thủy qua đời, theo thông tin ban đầu, hoa hậu đột tử sau khi chạy bộ tập thể dục.
Hoa hậu Thu Thủy đột tử khiến nhiều người bất ngờ. Được biết cô có thói quen, lối sống rất tích cực. Cô còn tổ chức hội nhóm chị em phụ nữ cùng làm đẹp, thể thao để bảo vệ sức khoẻ.
GS. Phạm Gia Khải - nguyên Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam cho biết trường hợp này, nạn nhân tử vong khi còn quá trẻ. Nguyên nhân đột tử có thể do xuất huyết não hoặc nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, xuất huyết não khi đang chạy bộ xảy ra ở những bệnh nhân có tiền sử huyết áp cao. Còn người bệnh không bị huyết áp cao, vẫn vận động thể lực mạnh hàng ngày thì khả năng là do nhồi máu cơ tim.
Theo GS. Khải, nhồi máu cơ tim không báo trước cho bất cứ ai. Có thể người bệnh nghĩ rằng mình khỏe nhưng thực ra có các bệnh lý hẹp mạch vành trước đó mà không biết và khi vận động quá sức sẽ dẫn tới cơn đau tim đột ngột.
Nhiều người mất cảm giác thần kinh do bị đái tháo đường hoặc người có khả năng chịu đựng cao hơn người bình thường, nhiều khi cơn đau xuất hiện cũng không biết. Đó là nguyên nhân khiến bệnh nhân không cảm nhận được cơn đau do thiếu máu cơ tim thầm lặng.
Nhồi máu cơ tim ở người đang chơi thể thao có tỷ lệ tử vong cao hơn rất nhiều vì đa phần nó là cơn nhồi máu cơ tim cấp tính, người bệnh không có dấu hiệu báo trước và tỷ lệ sơ, cấp cứu thấp hơn. Nhất là trường hợp chạy bộ sáng sớm có thể không có người chạy cùng để sơ, cấp cứu.
GS. Phạm Gia Khải
Tỷ lệ nhồi máu cơ tim được sơ, cấp cứu cũng hạn chế, GS. Khải cho biết tại Việt Nam, tỷ lệ nhồi máu cơ tim được đưa tới viện kịp thời chỉ có 40%. Còn lại đa số bệnh nhân tử vong trước khi đến viện. Hoặc trường hợp đưa đến viện muộn dù cứu sống thì nguy cơ di chứng cũng rất lớn như suy tim, rối loạn nhịp tim, chất lượng cuộc sống cũng giảm sút.
Với những người chơi thể thao, GS. Khải khuyến cáo cần có sàng lọc cụ thể, nhất là người có các yếu tố tim mạch tiềm ẩn. Không nên chỉ kiểm tra sức khoẻ qua loa như đo huyết áp, xét nghiệm tổng quát, siêu âm… mà cần có cái nhìn thật kỹ về y học trước khi tập luyện bởi có nhiều bệnh phải sàng lọc chuyên sâu mới phát hiện ra được.
Chính vì vậy, GS. Khải khuyến cáo những người tham gia chơi các môn thể thao gắng sức cần kiểm tra sức khỏe thật kỹ. Khi chơi thể thao thấy mệt quá, chân tay bồn chồn cần dừng lại và uống nước để bù lượng nước đã mất.
Dấu hiệu của nhồi máu cơ tim
GS. Khải cho biết hàng năm thế giới có 2,5 triệu người chết vì bệnh nhồi máu cơ tim, trong đó 25% tử vong ở giai đoạn cấp tính của bệnh. Việc nhận biết và xử trí nhồi máu cơ tim trong khoảng "thời gian vàng" rất quan trọng để cứu lấy trái tim trong cơn nguy kịch.
Triệu chứng của nhồi máu cơ tim đó là cảm giác đau thắt ngực kéo dài hoặc ngắn nhưng tái phát nhiều lần, lan lên vai, ra cánh tay, sau lưng, hàm, bệnh nhân mệt nhiều, vã mồ hôi, buồn nôn, nôn.
Có trường hợp bệnh nhân không có triệu chứng gì, gọi là nhồi máu cơ tim thầm lặng. Tuy nhiên, khi khám bác sĩ thấy men tim có tăng.
Đối tượng dễ bị nhồi máu cơ tim đó là nam trên 45 tuổi, nữ trên 55 tuổi ở những người hút thuốc lá, đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đặc biệt là tăng LDL-C. Gia đình có người bị nhồi máu cơ tim, những người ít vận động thể lực, béo phì, nhiều căng thẳng, sử dụng ma tuý cũng thuộc nhóm đối tượng dễ mắc bệnh.
Theo GS. Khải khi có triệu chứng đau thắt ngực, bệnh nhân nên đến bệnh viện kiểm tra càng sớm càng tốt. Bác sĩ sẽ chỉ định cho điều trị nội khoa như sử dụng các thuốc chống đau ngực, chống vón tiểu cầu, thuốc tiêu huyết khối, thuốc chẹn beta giao cảm, ức chế men chuyển dạng Angiotensin.
Ngoài ra, có thể tiến hành can thiệp nong động mạch vành hoặc làm cầu nối chủ vành nếu sử dụng thuốc nội khoa không hiệu quả.