Cuối giờ sáng nay - 15/9, PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cùng Ban giám đốc đã chủ trì cuộc hội chẩn chuyên gia các chuyên khoa Nhi, Hồi sức tích cực, Hô hấp, Vi sinh, Dược cùng chuyên gia Khối ngoại, Tiêu hoá, Thần kinh, Chấn thương chỉnh hình, Huyết học...
Đặc biệt buổi hội chẩn có sự hiện diện của chuyên gia chẩn đoán hình ảnh của Nhật Bản để cùng trao đổi phương án điều trị cho bệnh nhi 11 tuổi là nạn nhân của vụ lũ quét thôn Làng Nủ ( Lào Cai).
Các chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai và chuyên gia Nhật Bản tham gia buổi hội chẩn điều trị bệnh nhân của vụ lũ quét kinh hoàng xảy ra ở thôn Làng Nủ (Lào Cai).
Lo ngại thương tổn tăng
Báo cáo tại cuộc hội chẩn, BS Nguyễn Công Khắc - Trung tâm Nhi khoa cho hay, bé gái sau 4 ngày được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai tình trạng phù nề của bệnh nhân giảm, rối loạn đông máu giảm, tuy nhiên bệnh nhân này vẫn được chẩn đoán đa chấn thương.
Hiện bệnh nhân vẫn được an thần, thở máy, đồng tử phản xạ ánh sáng yếu, nhưng vấn đề viêm phổi của bệnh nhân rất trầm trọng do ứ nước, hít phải nhiều bùn đất trong vụ lũ quét.
Theo báo cáo của tuyến trên, 6h sáng 10/9, xảy ra vụ lũ quét thôn Làng Nủ, em bé bị cuốn chìm trong nước, sau 2 tiếng được phát hiện vớt lên, chuyển đến bệnh viện, đặt nội khí quản sau 30 phút.
Suốt 4 ngày rửa phổi, dịch bệnh nhi vẫn ra đục ngầu bùn cát. Đến ngày hôm nay, nội soi phế quản có chảy máu, rất khó khăn trong việc làm sạch bùn đất vẫn ở phổi"- BS Khắc thông tin.
Sau 4 ngày nhập viện Bạch Mai điều trị, phổi của bệnh nhi vẫn ra chất đục bùn đất.
Theo PGS.TS Đỗ Ngọc Sơn - Giám đốc Trung tâm Hồi sức - Tích cực (Bệnh viện Bạch Mai) tình trạng tổn thương phổi của bệnh nhi này đang rõ nhất, mức độ tổn thương phổi rất lớn, nhiều khả năng dị vật vẫn tắc nghẽn trong đó.
Bệnh nhi vẫn tiếp tục thở máy với gây tê thấp để bảo vệ phổi, tiếp tục cho bệnh nhân an thần, giãn cơ sâu hơn nữa, từ đó dần dần giảm gây tê.
PGS.TS Đỗ Ngọc Sơn cũng lo ngại nguy cơ vài ngày tới sẽ xuất hiện suy đa phủ tạng. Chuyên gia cũng đề xuất bơm rửa phế quản, tuy nhiên việc này khá khó khăn do chảy máu, tổn thương bên trong kết dính với niêm mạc đường hô hấp, do đó hiện tại việc bơm rửa sẽ không hiệu quả.
PGS.TS Vũ Văn Giáp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai trao đổi tại buổi hội chẩn.
Chuyên gia hô hấp cho hay hiện ở sâu trong phổi của bệnh nhân vẫn còn dị vật. Với tình trạng viêm đường phổi phù nề, hoại tử chảy máu nên việc soi để làm sạch khá khó khăn.
Đồng quan điểm với PGS.TS Đỗ Ngọc Sơn, BS Huyền (Trung tâm hô hấp) cho hay, do sặc bùn đất nên nhiều vi khuẩn thâm nhập vào đường thở của bệnh nhân cùng với nhiều yếu tố khác tổn thương như đã kể trên, tiên lượng tình trạng viêm sẽ tăng, hoại tử, chảy máu...
Chuyên gia hô hấp cũng đề xuất có thể thực hiện phục hồi chức năng, vỗ rung phổi... để đẩy bùn đất, cát ra ngoài hay không, trong tình cảnh hiện nay của bệnh nhân.
Các chuyên gia bày tỏ lo ngại thêm nguy cơ những vi khuẩn bên ngoài môi trường xâm nhập vào phổi của bệnh nhi. "Vi sinh sẽ làm tiếp các xét nghiệm cấy nhiễm khuẩn"- chuyên gia vi sinh nói.
PGS.TS Đỗ Ngọc Sơn - Giám đốc Trung tâm Hồi sức Tích cực cùng các chuyên gia trao đổi tại buổi hội chẩn.
Lưu ý vấn đề kháng nấm, dinh dưỡng cho bệnh nhi
Tại buổi hội chẩn qua nghe chuyên gia các chuyên ngành báo cáo thêm, Giám đốc Đào Xuân Cơ đã ngay lập tức giao bác sĩ chấn thương chỉnh hình theo dõi sát bệnh nhân; chuyên gia tiêu hóa theo dõi chấn thương gan; chuyên khoa thần kinh; chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh; huyết học phải phối hợp chặt chẽ với các chuyên khoa khác trong điều trị cho bệnh nhi.
Do bệnh nhân đang được nuôi dưỡng về tĩnh mạch, thở máy, PGS Cơ đặc biệt quan tâm và lưu ý về dinh dưỡng cho bệnh nhân. "Chúng ta phải đảm bảo vấn đề dinh dưỡng nếu không sẽ là một thất bại trong quá trình điều trị cho bệnh nhi này"- PGS.TS Đào Xuân Cơ nhấn mạnh.
TS.BS Nguyễn Tuấn Tùng - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai lưu ý có hai ngày cần làm xét nghiệm đông máu một lần dù hiện tại nguy cơ đông máu của bệnh nhân này vẫn chưa xảy ra; cùng đó phải tiếp tục rửa phổi, nếu không rửa phổi thì nguy cơ xấu về sức khỏe tiếp tục xảy ra. Hiện tiểu cầu trong máu của bệnh nhân này đã tăng lên. Chuyên khoa huyết học sẽ đồng hành sát.
Chuyên gia Nhật Bản trao đổi tại buổi hội chẩn.
GS Hashimoto (chuyên gia Nhật Bản đã có nhiều năm gắn bó với Bệnh viện Bạch Mai, thường xuyên có mặt tại Bệnh viện Bạch Mai đồng hành cùng bệnh viện trong quá trình điều trị bệnh nhân) tham gia hội chẩn bệnh nhân này, GS đánh giá cao nhận định của các chuyên gia Bệnh viện Bạch Mai và lưu ý thêm làm các xét nghiệm về nấm.
Do chức năng thận và gan của bệnh nhân vẫn đang ổn nên GS Hashimoto lưu ý nên làm xét nghiệm về kháng nấm.
PGS.TS Vũ Văn Giáp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, đây là ngày thứ 5 điều trị bệnh nhân do đó những dị vật, vi khuẩn đã bám sâu vào đường thở, tuy nhiên việc rửa phổi toàn bộ không được đặt ra để tránh tình huống nước ứ đọng trong kẽ phổi làm cho tình trạng phù phổi tăng.
Do đó, giai đoạn này vẫn ưu tiên rửa phổi qua nội soi, dùng corticoid thêm với hàm lượng nhỏ. Trong quá trình soi rửa phổi cần dùng nước mát.
PGS Giáp cũng lưu ý vấn đề thông khí phổi cho bệnh nhân này.
Chuyên gia Nhật Bản cùng PGS.TS Đào Xuân Cơ thăm khám cho bệnh nhi.
Nỗ lực cứu bệnh nhi để giảm đau thương cho nhân dân trong thiên tai, bão lũ
Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ, cuộc hội chẩn chuyên gia sáng nay có nhiều thông tin quan trọng, ý nghĩa trong điều trị cho bệnh nhân.
"Ngay hôm nay phải tiến hành nội soi tiêu hóa cho bệnh nhân tại giường, giao kip chuyên gia có kinh nghiệm về lĩnh vực này; Trong điều trị kháng sinh, lưu ý dược lâm sàng điều chỉnh liều theo chức năng thận của bệnh nhân..."- Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh.
Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai giao PGS.TS Đỗ Ngọc Sơn đồng hành chặt chẽ với Trung tâm Nhi khoa trong quá trình theo sát điều trị cho bệnh nhân.
Giao chuyên gia chấn thương chỉnh hình lo ngay nẹp để cố định xương đòn cho bệnh nhân giúp các chuyên ngành khác yên tâm trong điều trị cho bệnh nhân.
PGS.TS Đào Xuân Cơ thăm khám cho bệnh nhi và yêu cầu các thầy thuốc của Bệnh viện Bạch Mai phải theo sát, nỗ lực nhất trong quá trình điều trị, cứu chữa bệnh nhi.
"Gia đình bệnh nhân đã có những tổn thương sau trận lũ quét này, hiện bố mẹ bệnh nhi đang ở Bệnh viện Bạch Mai theo sát quá trình điều trị của bé, do đó chúng ta phải cố gắng nỗ lực hết sức để cứu bệnh nhi này nhằm chia sẻ, giảm bớt thiệt hại, đau thương cho gia đình bệnh nhi cũng người dân vùng thiên tai bão lũ"- PGS.TS Đào Xuân Cơ nói
Đối với bố mẹ cháu bé, Giám đốc Đào Xuân Cơ yêu cầu các phòng ban hậu cần hỗ trợ lo ăn uống, ở để gia đình bệnh nhân yên tâm.
Ông Cơ cũng lưu ý nguy cơ nhiễm trùng bệnh viện lớn, các chuyên gia cần tính đến phương án phủ kháng sinh bệnh viện sớm; lưu ý thay quả lọc máu 12h /1 lần...
"Ban Giám đốc đặc biệt quan tâm đến bệnh nhân này, chúng tôi huy động các chuyên gia đầu ngành, thiết bị, vật tư, thuốc để cứu bệnh nhân. Đề nghị các chuyên gia hàng ngày cập nhật thông tin liên tục, chi tiết về quá trình điều trị của bệnh nhân để điều trị tốt nhất cho bé"- PGS.TS Đào Xuân Cơ nói.
PGS.TS Đào Xuân Cơ trao đổi cùng PGS.TS Đỗ Ngọc Sơn và TS.BS Nguyễn Thành Nam - Giám đốc Trung tâm Nhi Khoa tại phòng điều trị của bệnh nhi.
Trước đó, khoảng 6h sáng 10/9, tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai, đã xảy ra vụ lũ quét tang thương.
Trong số 17 bệnh nhân được cứu khỏi vụ lũ quét hiện đang điều trị tại bệnh viện, đã có một bệnh nhân không qua khỏi do tình trạng quá nặng.