Hơn 5 triệu người Việt mắc bệnh đái tháo đường (còn gọi tiểu đường), chiếm 5,7% dân số, song 50% trong số họ không được chẩn đoán.
Thông tin được GS.TS Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam, cho biết tại chương trình Yêu lấy mình - CaReMe do Bộ Y tế tổ chức ngày 20/9, và cảnh báo "đái tháo đường đang lặng lẽ đến với người Việt Nam".
Theo ông, khoảng 50% người mắc bệnh nhưng không được chẩn đoán, chưa tới 30% người được chẩn đoán điều trị tốt. 10% bệnh nhân cuối cùng chết vì bệnh thận và những người tổn thương thận giai đoạn cuối nhiều nhất là do đái tháo đường. "Đặc biệt, một nửa bệnh nhân đái tháo đường lúc phát hiện bệnh đã có biến chứng tim mạch", ông Dàng nói.
Đái tháo đường type 1 có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng chủ yếu ở người trẻ, thanh thiếu niên. Dấu hiệu điển hình là đói và mệt, đi tiểu thường xuyên và khát hơn, khô miệng, ngứa da, sút cân nhiều, thị lực giảm.
Khác với triệu chứng rầm rộ, diễn biến nhanh như type 1, bệnh nhân đái tháo đường type 2 diễn biến rất âm thầm, thậm chí không có triệu chứng. Bệnh nhân thường là người trưởng thành, dấu hiệu như nhiễm trùng, vết loét hoặc vết thương chậm lành.
Đái tháo đường ảnh hưởng đến tim mạch, thận, chi..., gây nhiều biến chứng như đột quỵ, suy thận, giảm thị lực, mù lòa và những biến chứng bàn chân. Nhiều bệnh nhân đến viện phải cắt cụt chi, điều trị biến chứng.
Người dân kiểm tra đường huyết tại Bệnh viện Nội tiết (Ảnh:Thúy Quỳnh)