Theo đó, lô vắc-xin này, với khoảng hơn 90.000 liều, dự kiến sẽ về tới sân bay quốc tế Nội Bài vào sáng 7/7.
Dự kiến, trong quý III-2021 sẽ có thêm khoảng 3 triệu liều và quý IV-2021 có khoảng 27-28 triệu liều vắc-xin Pfizer/BioNtech về Việt Nam. Kinh phí mua vắc-xin này từ nguồn ngân sách Nhà nước.
Trước đó, vào tháng 5/2021, Bộ Y tế đã đàm phán và ký hợp đồng với Pfizer/BioNtech về việc mua 31 triệu liều vắc-xin của hãng này.
(Ảnh minh họa).
Ngày 12/6, Bộ Y tế cũng đã có quyết định phê duyệt vắc-xin COVID-19 Cominarty của Pfizer/BioNtech cho nhu cầu cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.
Vắc-xin này được bào chế dưới dạng hỗn dịch đậm đặc pha tiêm, mỗi liều 0,3 ml chứa 30 mcg vaccine mRNA COVID-19 (được bọc trong các hạt nano lipid), được sản xuất tại Pfizer Manufacturing Belgium NV, Bỉ và BioNTech Manufacturing GmbH, Đức.
Tại quyết định này, Bộ Y tế giao Cục Quản lý dược cấp phép nhập khẩu vắc-xin Cominarty theo quy định khi nhận được hồ sơ của cơ sở nhập khẩu. Thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý nhập khẩu, quản lý chất lượng vắc xin nhập khẩu...
Vắc-xin Pfizer được phát triển từ đầu năm 2020 và được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt, dựa trên các hồ sơ về tính an toàn và sinh miễn dịch của vắc-xin.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, đến nay Việt Nam đã đàm phán được khoảng 105 triệu liều vắc xin COVID-19 từ nhiều nguồn cung ứng khác nhau được cam kết phân bổ cho Việt Nam.
Bộ Y tế đang nỗ lực đàm phán để tăng thêm 45 triệu liều nữa để đạt 150 triệu liều để tiêm đủ cho 70% dân số, đặt mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối năm nay, đầu năm tới.
Trước đó, Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện vắc-xin cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 gồm: Vắc-xin Astra Zeneca; Vắc-xin Sputnick; Vắc-xin Pfizer; Vắc-xin Vero Cell và Vắc-xin Spikevax (Tên khác là: COVID-19 vắc-xin Moderna).