Theo Science Alert, công trình trên nhằm chống lại những thông tin sai lệch đang lan truyền trên mạng xã hội bởi các thành phần chống vắc-xin với mục đích xấu.
Bài viết đăng trên tạp chí Obstetrics & Gynecology khuyên rằng nếu là một phụ nữ vừa tiêm vắc-xin COVID-19 và nhận thấy có sự thay đổi nhẹ trong chu kỳ kinh nguyệt, hãy tin rằng bạn không cô đơn. Đây là một tác dụng phụ khá phổ biến của vắc-xin Covid-19 nhưng nó "rất đáng yên tâm".
Lý giải cho lời khuyên trên, tác giả chính Alison Edelman từ Trường ĐH Khoa học và Sức khỏe Oregon (Mỹ) cho biết những tác động này là nhỏ và tạm thời. Cụ thể, chu kỳ kinh nguyệt bị kéo dài thêm trung bình chưa tới 1 ngày dựa theo kết quả nghiên cứu đối với 4.000 phụ nữ.
Khác với lời đồn trên mạng, sự thay đổi nhỏ về chu kỳ kinh nguyệt sau tiêm vắc-xin COVID-19 là hoàn toàn vô hại (Ảnh minh họa từ Internet)
4.000 phụ nữ nói trên có độ tuổi từ 18-45, không sử dụng các biện pháp tránh thai bằng nội tiết tố. Họ bao gồm 2.400 người đã tiêm ngừa vắc-xin COVID-19 - 55% tiêm Pfizer, 35% tiêm Moderna và 7% tiêm Johnson & Johnson. 1.500 người chưa tiêm vắc-xin được đưa vào nghiên cứu để đối chứng.
Các tác giả thu thập dữ liệu từ 3 chu kỳ kinh nguyệt liên tiếp ở nhóm được tiêm chủng, bao gồm chu kỳ có tiêm chủng và chu kỳ không tiêm chủng; cũng như dữ liệu từ 6 chu kỳ liên tiếp ở nhóm không tiêm chủng.
Kết quả cho thấy độ sai lệch chu kỳ trung bình rất nhỏ, chỉ 0,64 ngày ở liều thứ nhất và 0,79 ngày ở liều thứ 2 khi so sánh nhóm tiêm chủng và không tiêm chủng.
Phân tích về cơ chế, tiến sĩ Edelman cho biết: "Chúng tôi biết rằng hệ thống miễn dịch và hệ thống sinh sản có mối liên hệ với nhau. Hệ thống miễn dịch có sự thay đổi có thể tác động đến trục dưới đồi - tuyến yên - buồng trứng, thứ có thể gọi nôm na là "đường cao tốc" về cách não của bạn giao tiếp với buồng trứng, tử cung".
Do đó, những thay đổi có vẽ rõ ràng hơn khi việc tiêm phòng diễn ra sớm trong giai đoạn nang trứng, tức bắt đầu vào ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt cho đến giai đoạn rụng trứng.
Một số phụ nữ đã tiêm 2 mũi Pfizer trong cùng một chu kỳ (do đây là loại vắc-xin có thời gian giữa 2 mũi ngắn nhất - 3 tuần) nên có sự thay đổi rõ ràng hơn một chút, khoảng 2 ngày.
Tuy nhiên, có một điều mà bất kỳ phụ nữ nào cũng hiểu là việc chu kỳ kinh nguyệt thay đổi nhẹ là hết sức bình thường trong suốt cuộc đời, bởi có rất nhiều dạng tác động có thể ảnh hưởng đến hệ nội tiết của họ, như do bệnh lý, việc dùng thuốc, stress...
Đối với việc tiêm vắc-xin, như chúng ta đã biết, sau giai đoạn "hành" nhẹ ban đầu - dấu hiệu của hệ miễn dịch đang được thay đổi - cơ thể sẽ sớm trở lại bình thường. Tác dụng phụ nho nhỏ ở những phụ nữ này cũng vậy.
Đối với nhóm phụ nữ được nghiên cứu, tác dụng phụ tạm thời này đã biến mất hẳn vào những chu kỳ sau.