Bi hài nhiễm lậu
Theo Thầy thuốc ưu tú (TTUT), Bác sĩ cao cấp Đào Hữu Ghi, Trưởng khoa điều trị bệnh da nam giới, Bệnh viện Da liễu trung ương, bệnh lây qua đường tình dục chưa bao giờ chấm dứt. Hiện nay, xu hướng quan hệ tình dục thoáng hơn thì nguy cơ lây nhiễm bệnh tình dục càng nhiều hơn.
Bác sĩ Ghi cho biết ông đã từng tiếp nhận và điều trị nhiều trường hợp bệnh nhân bi hài. Gần đây nhất là nhóm bệnh nhân trẻ vào viện khám vì 1 trong những người bạn đi khám trước đó đã mắc bệnh lậu. Cả nhóm này là nam sinh viên cùng ở một xóm trọ.
Cả nhóm 5 người vào, ai cũng thắc mắc chỉ đi massage xả stress chứ không quan hệ tình dục, nhưng về nhà thì cả 5 người mắc lậu.
Đầu tiên là các triệu chứng tiểu buốt, tiểu rắt. Một người trong nhóm lên mạng tìm kiếm triệu chứng nghi ngờ lậu nên vội tìm tới viện khám. Khi khám xong, anh ta về chia sẻ với bạn bè cùng đi thì mới biết cũng có người đang điều trị truyền dịch, đốt sóng cao tần ở một phòng khám tư. Sau khi được bác sĩ tư vấn, cả nhóm vào Bệnh viện Da liễu trung ương khám và điều trị.
Theo bác sĩ Ghi, bệnh lậu nếu biết sớm thì điều trị rất đơn giản. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết mà đến bệnh viện. Rất nhiều trường hợp bệnh nhân ra ngoài các phòng khám có yếu tố nước ngoài khám điều trị hết vài chục triệu, trong khi bệnh chỉ cần điều trị kháng sinh cơ bản là có thể khỏi.
Đi xả stress, cả nhóm bạn thân cùng mắc bệnh tình dục. (Ảnh minh họa)
Trường hợp của nam sinh N.V.V (19 tuổi, Hà Nội) vào khám bệnh. Cách đây 1 tháng, V. đến Bệnh viện Da liễu Trung ương làm xét nghiệm và kết quả bị lậu. V. đã được tiêm và cho uống thuốc. Các triệu chứng của bệnh không còn. Sau đó khoảng nửa tháng, V. không biết và tiếp tục quan hệ với bạn gái, sau đó cậu lại có triệu trứng nóng, rát niệu đạo. V. lại đến cầu cứu bác sĩ. Kết quả cậu bị tái nhiễm lậu. V. rất lo lắng cậu có khả năng bị lậu mãn tính.
Bệnh điều trị thế nào?
Bệnh lậu là một bệnh nhiễm khuẩn do song cầu khuẩn Neisseria gonorrhoeae gây ra. Đây là bệnh lý nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục, thường gặp ở lứa tuổi đang hoạt động tình dục mạnh, đôi khi có thể gặp ở trẻ sơ sinh do bị lây nhiễm từ người mẹ bị nhiễm vi khuẩn lậu. Bệnh được chia làm 2 loại là bệnh lậu cấp tính và bệnh lậu mãn tính.
Bệnh lậu cấp tính nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm sẽ chuyển sang bệnh lậu mãn tính. Triệu chứng của bệnh lậu mãn tính thường không rõ ràng và có khả năng tái phát nhiều lần.
Với nam giới, bệnh có các triệu chứng ra mủ nhiều, màu vàng hoặc vàng xanh tại niệu đạo kèm theo đái buốt, đái dắt.
Ở nữ giới, 50-80% trường hợp bệnh lậu không có triệu chứng hoặc triệu chứng không rõ ràng. Bệnh cấp tính biểu hiện với các triệu chứng như đái buốt, mủ chảy ra từ trong niệu đạo hoặc cổ tử cung có màu nâu, vàng hoặc xanh, số lượng nhiều, có mùi hôi.
Hiện nay cũng xuất hiện tình trạng lậu kháng thuốc. Chính vì vậy, các bác sĩ sẽ phải sử dụng phổi hợp nhiều thuốc kháng sinh để điều trị triệt để.
Bác sĩ Đào Hữu Ghi cho rằng, người bệnh sau khi điều trị hết kháng sinh cần tái khám để kiểm tra có vi khuẩn lậu cầu không.
Phương pháp điều trị thông thường hiện nay là sử dụng thuốc ceftriaxone (Rocephin) do tình trạng vi khuẩn kháng thuốc xảy ra với các loại thuốc khác. Ceftriaxone sử dụng kết hợp với azithromycin hoặc doxycycline. Bệnh do vi khuẩn gây ra nên chỉ dùng kháng sinh. Các biện pháp điều trị như đốt sóng cao tần, truyền dịch đều không có tác dụng với bệnh xã hội nói chung và bệnh lậu nói riêng.
Để phòng bệnh, biện pháp tốt nhất là cần quan hệ tình dục an toàn. Duy trì mối quan hệ một vợ một chồng lâu dài từ cả hai phía với người bạn tình đã được xét nghiệm. Sử dụng bao cao su và tấm bảo vệ miệng đúng cách mỗi khi quan hệ tình dục. Không phải chỉ quan hệ tình dục đường sinh dục mới có nguy cơ mắc bệnh này mà chỉ cần có tiếp xúc với cơ quan sinh dục đều có thể mắc bệnh.