Theo báo cáo của nhà chức trách địa phương, kiểm tra tại hiện trường của gia đình cho thấy vòi bình gas của gia đình này không bị nứt, gas không bị rò rỉ. Cuối cùng, người ta đã tìm thấy được thủ phạm gây ra vụ nổ là rác trong nhà bếp.
Hình ảnh căn bếp sau vụ nổ.
Hóa ra hộ gia đình này thường lãng phí thực phẩm, chẳng hạn như hạt gạo, lá rau, thức ăn thừa bị rơi vương vãi... khi họ vo gạo, rửa rau và rửa chén. Rác thực phẩm được tích lũy trong đường ống nước thải lên men và tạo ra khí metan.
Nhiệt độ mùa hè tăng lên, khí metan nở ra và tràn khắp đường ống, khi có một mồi lửa nhỏ, khí metan sẽ lập tức cháy và phát nổ.
Tuy nhiên, ngoài rác thực phẩm tích lũy trong nhà bếp gây phát nổ, trong căn bếp vẫn còn nhiều chi tiết liên quan đến thực phẩm có thể gây nổ, nguy hiểm chết người mà nhiều gia đình vẫn còn thường xuyên làm.
5 chi tiết có thể gây nổ từ thói quen sử dụng thực phẩm trong gia đình
1. Đổ bột cạnh bếp gas
Tháng 9/2018, Bản tin quản lý khẩn cấp @Shenzhen đưa tin một vụ tai nạn chớp nhoáng đã xảy ra tại nhà của một người dân ở Hạ Môn. Lúc đó, hai vợ chồng đang nấu ăn trong bếp. Một trong số họ đứng ở cạnh lò nướng, đang đổ bột để chuẩn bị làm món tráng miệng. Bất ngờ một vụ nổ xuất hiện khiến cả 2 người bị bỏng hơn 50% cơ thể, thổi bay họ xuống cầu thang cùng các vật dụng nhà bếp khác.
Bản thân bột rất dễ cháy, khi bột lơ lửng trong không khí đạt đến một nồng độ nhất định, nó sẽ dễ dàng phát nổ khi gặp nguồn lửa. Thực tế, chương trình "Thí nghiệm kinh hoàng" của Đài truyền hình vệ tinh Hà Nam đã sử dụng bột mì để thực hiện các thí nghiệm đổ bột trong khi mở lửa, ngọn lửa đột nhiên bốc lên.
2. Sử dụng nồi áp suất để nấu thức ăn đặc như cháo
Nồi áp suất là một trợ thủ đắc lực cho nhiều bà nội trợ bởi sử dụng nó để nấu súp, cháo, hầm... rất hiệu quả và tiện lợi. Tuy nhiên, nếu sử dụng không đúng cách, nồi áp suất sẽ là mối nguy hiểm của gia đình.
Tháng 7/2016, một phụ nữ ở Sơn Đông đã bị bỏng vì nồi áp suất phát nổ khi đang nấu ăn ở nhà. Vùng mặt và ngực của người này bị bỏng nặng. Vụ nổ của nồi áp suất là do van xả bị chặn bởi cháo gây nghẽn hơi.
Các chuyên gia trong ngành thiết bị gia dụng nhắc nhở rằng trước khi sử dụng nồi áp suất, hãy kiểm tra xem lỗ thông hơi có trơn tru không, sau đó mới cho thức ăn vào nồi. Thực phẩm không được quá đầy vượt quá 80% công suất của nồi.
Ngoài ra, nồi áp suất có khả năng bị chặn van xả và gây nổ khi nấu thức ăn đặc như cháo, vì vậy hãy cố gắng không nấu cháo bằng nồi áp suất.
3. Thực phẩm đông lạnh cho trực tiếp vào chảo dầu
Trung tâm Tin tức Truyền hình và Phát thanh Giang Tô đưa tin tháng 11/2016, bà Kuang ở Tô Châu cho thẳng bánh bao đông lạnh vào chảo dầu lớn, làm bắn dầu lên và khiến bà bị bỏng một mảng da lớn.
Có thực sự khủng khiếp như vậy khi nấu thức ăn đông lạnh trong chảo dầu nóng hay không? Kênh tin tức công cộng Giang Tô đã làm một thí nghiệm, làm nóng già một nồi dầu rồi cho một con gà đông lạnh vào nồi dầu. Nồi dầu phát ra âm thanh chói tai, và rất nhiều dầu văng khắp căn bếp
Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông địa phương ở Tô Châu, ông Han Hefeng, Giám đốc Trung tâm Khoa học và Công nghệ, Trường Trung học Tô Châu cho biết khi khối đá gặp nhiệt độ cao hơn 200 độ, nó sẽ ngay lập tức bốc hơi và biến thành bọt khí. Vì vậy, nó sẽ sôi lên và các bong bóng sẽ nổ với những giọt dầu bắn tung.
4. Làm nóng trứng trong lò vi sóng
Tin tức buổi tối Vũ Hán đưa tin vào tháng 11/2015 ông Zhu ở Vũ Hán (Hồ Bắc) đổ đầy nước vào một cái bát nhựa, cho trứng vào bát và đun nóng bằng lò vi sóng. Hai phút sau, lò vi sóng được mở ra, trứng bắt đầu nổ tung khắp mọi nơi. Điều này khiến cho cả mí mắt và nhãn cầu của ông Zhu đều bị vỡ, khiến 2 mắt mù hoàn toàn.
Tại sao một quả trứng trong lò vi sóng có thể phát nổ? Điều này là do làm nóng trứng trong lò vi sóng sẽ làm bên trong trứng bị quá nóng và mở rộng thể tích lòng đỏ. Khi khối lượng vượt quá sức chịu đựng của vỏ trứng, trứng sẽ nổ tung.
5. Phun thuốc diệt côn trùng trong khi nấu ăn
Tháng 8/2015, một bà nội trợ ở Bắc Kinh đã vô tình phun thuốc diệt côn trùng vào bếp gas trong khi giết gián. Kết quả là, nhà bếp phát nổ và 85% cơ thể người này bị đốt cháy. Một số phương tiện truyền thông đã tiến hành thí nghiệm về việc xịt thuốc diệt côn trùng bên cạnh ngọn lửa cũng cho kết quả một vụ nổ tương tự.
Thành phần chính của chất diệt côn trùng là hydrocarbon propane và butan. Các chất này có điểm bắt lửa thấp và cực kỳ dễ cháy nổ. Sau khi chất lỏng thuốc trừ sâu được phun ra, các thành phần propan và butan trong chất lỏng được trộn với không khí để tạo thành hỗn hợp nổ, sẽ phát nổ trong trường hợp có ngọn lửa, tia lửa hoặc nhiệt độ cao.
Tham khảo thêm tại QQ, Healthline, Eat This, Science