Khủng hoảng trầm cảm vị thành niên

Có lẽ đã đến lúc cha mẹ, nhà trường cần quan tâm thật sự nghiêm túc tới sức khoẻ tâm thần của con cái mình, thay vì chỉ tập trung vào sức khoẻ thể chất và các thành tích như trước đây.

Ngược lại với niềm tin trước đó rằng, nó không thể xảy ra trong thời thơ ấu hoặc tuổi vị thành niên, ngày nay người ta đã phải công nhận rằng trầm cảm là một vấn đề sức khỏe quan trọng ở tuổi vị thành niên. Không chỉ là một vấn đề của bản thân, trầm cảm còn dẫn tới nhiều hệ luỵ và nguy cơ khác liên quan tới hành vi tự tử, rối loạn lo âu, rối loạn ăn uống, lạm dụng chất kích thích, mang thai ở tuổi vị thành niên và chấp nhận các rủi ro về tình dục, suy giảm thành tích học tập…

Vị thành niên, một giai đoạn chuyển tiếp giữa thời thơ ấu và giai đoạn trưởng thành, được đặc trưng bởi những thay đổi về mặt sinh học, tâm lý và xã hội nhiều hơn bất kỳ giai đoạn nào khác của cuộc đời, trừ giai đoạn sơ sinh.

Các nghiên cứu dài hạn trong suốt một thập kỷ của Hankin và cộng sự đã cho thấy tỷ lệ trầm cảm bắt đầu gia tăng đáng kể từ 13-14 tuổi và đạt đến mức đáng kinh ngạc vào cuối tuổi vị thành niên, khoảng 18 tuổi.

Những nghiên cứu gần đây cũng đã xác nhận tính liên tục của bệnh trầm cảm, từ tuổi vị thành niên đến tuổi trưởng thành.

Vậy cơ chế tạo nên các khủng hoảng trầm cảm là gì?

Tại sao trầm cảm lại tăng đột biến ở lứa tuổi thanh thiếu niên? Một trong những giả thuyết hợp lý và được nói tới nhiều nhất là sự gia tăng căng thẳng trong học hành, cuộc sống và lỗ hổng về mặt nhận thức do sự phát triển chưa hoàn thiện của não bộ là sự kết hợp giải thích vì sao nhiều thanh thiếu niên trầm cảm.

Mô hình dưới đây là mô hình cổ điển về căng thẳng - tổn thương dẫn tới trầm cảm. Có một điểm lưu ý trong mô hình này là ở giai đoạn "tự điều chỉnh". Các nhà lý thuyết về tự điều chỉnh (self-regulation) nhấn mạnh rằng khi đối mặt với một sự kiện tiêu cực, con người có thể thích nghi để chuyển sự chú ý của bản thân, tìm cách giải quyết và sau đó tiếp tục hành vi để đạt được mục tiêu (hay còn gọi là chu trình tự điều chỉnh). Sự chú ý có chọn lọc thường tập trung vào sự kiện tiêu cực cho tới khi nó được giải quyết hoặc giảm bớt nhưng ở độ tuổi vị thành niên, các em là những người dễ bị tổn thương về mặt nhận thức, do đó sẽ gặp khó khăn trong việc tự điều chỉnh.

Chẳng hạn một thiếu niên dễ bị tổn thương về mặt nhận thức cho rằng "không ai thích một người xấu xí" và không có giải pháp thay thế. Các em "mắc kẹt" trong chu trình tự điều chỉnh và bị tập trung rất nhiều vào nhận thức tiêu cực đó, do đó dễ dẫn tới những phản ứng tiêu cực thêm như là "không ai thích mình vì mình quá xấu xí" thay vì quyết tâm để thay đổi nó. Vòng tự điều chỉnh như vậy cứ lặp đi lặp lại và sự chú ý của các em chỉ tập trung vào nội dung tiêu cực đó dễ dẫn tới vòng xoáy trở thành trầm cảm nghiêm trọng hơn về mặt lâm sàng.

Khủng hoảng trầm cảm vị thành niên - Ảnh 1.

Trong mô hình này, 5 yếu tố chính dẫn tới trầm cảm là các sự kiện tiêu cực trong cuộc sống (căng thẳng), tổn thương nhận thức, khả năng suy luận hạn chế, lỗ hổng nhận thức, tương tác căng thẳng và sự vô vọng.

Những nguyên nhân dẫn tới trầm cảm ở trẻ vị thành niên

Tuổi vị thành niên thường có những xáo trộn nhiều hơn so với thời thơ ấu hoặc tuổi trưởng thành. Não bộ của thanh thiếu niên phát triển khác người trưởng thành và đang ở trong giai đoạn kết nối phát triển để chuẩn bị cho một giai đoạn mới. Phần vỏ não trước trán (nơi ra quyết định và dự đoán, nhận thức hậu quả lâu dài) chưa hoàn thiện và cũng không được sử dụng triệt để, thay vào đó chủ yếu thanh thiếu niên xử lý thông tin với amygdala (phần não cảm xúc).

Các em có thể có cảm xúc áp đảo và không thể giải thích những gì mình nghĩ. Các em không nghĩ nhiều như các em cảm thấy và do đó cha mẹ hoặc thầy cô có con/học sinh trong độ tuổi này có xu hướng "nhảy vào cuộc" để đưa ra lời khuyên, cố gắng giải quyết vấn đề hoặc đổ lỗi. Những điều này lại có thể làm cho các em khó chịu, ít cởi mở hơn. Sẽ là bình thường nếu các em có tâm trạng thất thường trong một vài ngày. Nhưng nếu nó thay đổi đáng kể tâm trạng và hành vi trong hơn 2 tuần, điều đó có nghĩa là có gì đó khác đang xảy ra, chẳng hạn như trầm cảm.

Khủng hoảng trầm cảm vị thành niên - Ảnh 2.

Số lượng các sự kiện tiêu cực trong cuộc sống sau 13 tuổi gia tăng, phần lớn liên quan tới:

● Các bệnh liên quan tới các bệnh tâm thần học hoặc lạm dụng chất gây nghiện: Rất nhiều các nghiên cứu tâm lý đã xác định rằng phần lớn thanh thiếu niên trầm cảm hoặc tự tử có dấu hiệu nghiêm trọng về tâm thần, chẳng hạn như rối loạn giảm áp lực, rối loạn hành vi, rối loạn cảm xúc, rối loạn lo âu, rối loạn hoảng sợ… Xu hướng tính dục: một yếu tố cá nhân có liên quan tới việc thanh thiếu niên tự tử là câu chuyện đồng giới. Xu hướng này tăng lên trong khoảng 10 năm trở lại đây ở các em thanh thiếu niên LGBT bất kể các em có quan hệ tình dục đồng giới hay không. Kỳ thị, trở thành nạn nhân, sự cô lập và sự từ chối chấp nhận của cha mẹ là những yếu tố dẫn tới hành vi tự sát.

● Môi trường gia đình: Chẳng hạn như thiếu sự hỗ trợ của cha mẹ, quan hệ cha mẹ - con cái tiêu cực, không có sự kết nối là một trong các yếu tố góp phần và tăng nguy cơ dẫn tới trầm cảm.

● Những sự kiện tiêu cực trong cuộc sống: Chẳng hạn như từng bị lạm dụng tình dục, các sự kiện căng thẳng trong cuộc sống như đột ngột mất người thân, xung đột quá lớn với cha mẹ hoặc mất đi một mối quan hệ lãng mạn. Bắt nạt cũng là một trong các yếu tố quan trọng. Ngoài ra, các vấn đề liên quan tới pháp lý, kỷ luật, khó khăn trong học tập cũng là những nguy cơ khác của trầm cảm.

● Ngoài ra còn có yếu tố về di truyền học, sinh học: Có những thanh thiếu niên trầm cảm có liên quan tới bệnh lý tâm thần của cha mẹ. Các bất thường về sinh học thần kinh, đặc biệt là nồng độ serotonin của hệ thần kinh trung ương thấp hơn có liên quan tới tính bốc đồng và trầm cảm ở người lớn.

Cha mẹ nên làm gì?

Phần nhiều cha mẹ Việt còn chưa thật sự hiểu trầm cảm là gì, biểu hiện của nó như thế nào, còn chủ quan và rất nhiều người (80% trong số khoảng hơn 1000 cha mẹ tôi từng làm việc trong 5 năm qua) bị mất kết nối với con mình. Trầm cảm vốn là một loại rối loạn tâm trạng và nó sẽ liên quan tới cơ thể, tâm trạng, suy nghĩ của một thanh thiếu niên. Nếu có sự kết nối tốt, ổn định và thường xuyên quan sát/để mắt tới con đúng cách, cha mẹ sẽ nhận thấy những thay đổi bất thường của con liên quan tới ăn, ngủ hoặc suy nghĩ đều có liên quan tới trầm cảm.

Năm ngoái tôi có làm việc với một người mẹ có con 19 tuổi (ở Anh). Cô bé tốt nghiệp phổ thông xong và muốn có một năm gap-year thay vì nộp hồ sơ đi học đại học ngay. Sau 9 tháng, đến đợt nộp hồ sơ đi học mới, cô lại tìm cớ để trì hoãn và bắt đầu xảy ra xung đột giữa cha mẹ và con. Khi người mẹ tìm tới tôi, mục tiêu của chị là làm thế nào để nói chuyện và khuyên con mình đi học. Nhưng khi tôi nói chuyện được với cô bé, tôi mới phát hiện ra cô bé có lòng tự trọng thấp, có cảm giác không đủ tốt, buồn bã, mất ngủ, không thể tập trung và đưa ra quyết định, rất nhạy cảm với sự thất bại/từ chối và mất hứng thú với mọi hoạt động khác trừ chơi game từ đêm này qua đêm khác. Những biểu hiện này đã kéo dài khoảng 3-4 tháng, khi cô thường xuyên phải nghe mẹ la mắng về việc giờ giấc sinh hoạt đảo lộn (ngủ ngày cày đêm) và chì chiết về việc không chịu đi học, chỉ ở nhà "ăn bám" bố mẹ. Sau 2 buổi nói chuyện và đọc các tài liệu liên quan tới trầm cảm mà tôi gửi, người mẹ quyết định tìm tới bác sĩ tâm lý để được hỗ trợ chẩn đoán. Kết quả, cô bé mắc trầm cảm lâm sàng.

Khủng hoảng trầm cảm vị thành niên - Ảnh 3.

Trầm cảm có những triệu chúng không giống các vấn đề sức khoẻ tâm thần khác. Chỉ cần 2 tuần con có những dấu hiệu sau đây mà không hết, bạn đã cần phải tìm kiếm sự hỗ trợ từ bác sỹ như là con có cảm giác buồn bã kéo dài, cảm giác tội lỗi, tuyệt vọng, cảm giác muốn chết, rắc rối với các mối quan hệ, thay đổi khẩu vị/cân nặng, khó tập trung, thường xuyên kêu đau đầu/đau dạ dày/mệt mỏi, đe doạ trốn khỏi nhà, nhạy cảm, khó chịu, thù địch, gây hấn…

Một tâm lý phổ biến của người Việt mình nói chung là có bệnh mới vái tứ phương, lúc biết có bệnh mới tìm thầy tìm thuốc thì đôi khi đã muộn. Trầm cảm không ngăn ngừa được, nhưng biết các yếu tố nguy cơ, phát hiện sớm và nhận được sự giúp đỡ từ chuyên gia của con sẽ giúp giảm bớt triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống của con.

Trẻ vị thành niên cần được thấu hiểu về sự phát triển tâm sinh lý, cần sự hướng dẫn của người lớn mặc dù các em có thể nghĩ rằng các em không cần. Nhưng hiểu được sự phát triển của các em thì chúng ta mới có thể hỗ trợ các em trở thành người lớn độc lập, có trách nhiệm.

Có lẽ đã đến lúc cha mẹ nhà trường cần quan tâm thật sự nghiêm túc tới sức khoẻ tâm thần của con cái mình, thay vì chỉ tập trung vào sức khoẻ thể chất và các thành tích như trước đây.

https://ahadep.com/khung-hoang-tram-cam-vi-thanh-nien-20220412153732169.chn