Lần đầu tiên tạo ra vắc xin HIV kích hoạt kháng thể miễn dịch hiếm ở người

Một nghiên cứu mới đây cho biết, vắc xin HIV là một bước gần hơn với thực tế sau một thử nghiệm trên người tạo ra các kháng thể hiếm và khó nắm bắt. Các nhà khoa học đã thực hiện một bước tiến lớn trong việc tạo ra vắc xin HIV hiệu quả.

Các nhà khoa học đang nỗ lực phát triển một loại vắc-xin HIV có tác dụng kích hoạt sản xuất một loại protein miễn dịch bảo vệ đặc biệt trong cơ thể. (Ảnh: Thư viện ảnh Sciepro/Khoa học)

Các nhà khoa học đang nỗ lực phát triển một loại vắc-xin HIV có tác dụng kích hoạt sản xuất một loại protein miễn dịch bảo vệ đặc biệt trong cơ thể. (Ảnh: Thư viện ảnh Sciepro/Khoa học)

Tiến sĩ Barton Haynes, người đứng đầu cuộc thử nghiệm gần đây và là giám đốc của Viện Vắc xin Duke, Mỹ, cho biết HIV là virus bậc thầy trong việc lẩn trốn, né tránh hệ miễn dịch bằng cách phủ lên mình một lớp đường giống với đường do cơ thể tạo ra. Virus cũng biến đổi nhanh chóng, thay đổi hình dạng khiến hệ miễn dịch gặp khó khăn trong việc tạo ra các kháng thể có thể tóm lấy nó.

Mục tiêu chính trong việc phát triển vắc xin HIV là thúc đẩy sản xuất các kháng thể trung hòa rộng rãi, bám vào các phần hoặc lớp vỏ bên ngoài của virus, rất giống nhau giữa các chủng HIV khác nhau. Điều này làm cho các kháng thể bảo vệ chống lại nhiều loại chủng khác nhau, bất kể chúng biến đổi thế nào.

Thomas Hope, giáo sư sinh học tế bào và phát triển, người nghiên cứu về HIV tại Trường Y Feinberg thuộc Đại học Northwestern, Mỹ, cho biết thách thức là những kháng thể này rất hiếm được tìm thấy. GS Hope, cho biết thêm: “Phải mất vài năm nhiễm trùng thực sự để tạo ra những kháng thể này”.

Vắc xin thường hoạt động bằng cách tạo ra phản ứng miễn dịch tương tự như khi bị nhiễm bệnh thực sự. Nhưng trong trường hợp HIV, các nhà phát triển vắc xin phải đẩy nhanh quá trình này, tạo ra kháng thể trong vài tuần mà thông thường phải mất nhiều năm mới xuất hiện.

Giờ đây, trong một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Cell, các nhà khoa học đã chứng minh rằng, kỳ tích này có thể thực hiện được ở người.

Trong thử nghiệm, các nhà nghiên cứu đã nhắm mục tiêu vào một protein gắn trong vỏ bọc của HIV - cụ thể là một phần của protein được gọi là vùng bên ngoài màng tế bào (MPER).

Ý tưởng đằng sau loại vắc xin mới là làm cho những đột biến này dễ xảy ra hơn bằng cách cho hệ miễn dịch tiếp xúc với một loạt chất kích hoạt phản ứng. Những chất này, hay còn gọi là chất gây miễn dịch, chứa các đoạn protein ngắn.

Chiến lược này đã được chứng minh trên nhiều mô hình động vật và nghiên cứu ban đầu trên người nhằm vào các mục tiêu khác ngoài MPER, nhưng thử nghiệm mới này lần đầu tiên đạt được các kháng thể mục tiêu cuối cùng ở người.

Đây là một bước hướng tới việc tạo ra vắc xin HIV hiệu quả. Vắc xin lý tưởng sẽ tạo ra bốn loại kháng thể trung hòa rộng rãi khác nhau. Điều này sẽ giúp ngăn ngừa HIV thoát khỏi sự bảo vệ của vắc xin. Ngoài ra, kháng thể cần được tạo ra với số lượng lớn và tồn tại trong cơ thể trong thời gian dài.