Liên tiếp 6 thanh niên phải cắt bỏ tinh hoàn, trong đó có người chưa lập gia đình, đang chữa vô sinh

Dù chưa lập gia đình, đang điều trị vô sinh nhưng các bệnh nhân vẫn phải đau đớn cắt bỏ tinh hoàn vì bị xoắn, đây là điều vô cùng đáng tiếc với bệnh nhân và cả bác sĩ.

Ths.BS Nguyễn Duy Khánh - Trung tâm Nam học, Bệnh viện HN Việt Đức cho biết trong 2 tuần vừa qua, các bác sĩ liên tiếp tiếp nhận và điều trị 7 trường hợp xoắn tinh hoàn. Trong đó có 6 ca phải cắt tinh hoàn đều là bệnh nhân trẻ chưa lập gia đình, có bệnh nhân còn đang điều trị vô sinh.

Bác sĩ Khánh cho biết trong mùa thu đông, xoắn tinh hoàn xảy ra với tần suất dày đặc. Tỷ lệ xoắn tinh hoàn xảy ra đột ngột ở mọi lứa tuổi cả trẻ em, thanh niên, thậm chí người cao tuổi.

Những trường hợp xoắn tinh hoàn thông thường có những dấu hiệu sau: Đau đột ngột dữ dội vùng bìu, nôn, buồn nôn, tinh hoàn treo lên cao. Theo bác sĩ Khánh, đây là một trong những cấp cứu ngoại khoa cần chẩn đoán và xử lý, các bạn trẻ nên để ý để đến bệnh viện kịp thời.

Liên tiếp 6 thanh niên phải cắt bỏ tinh hoàn, trong đó có người chưa lập gia đình, đang chữa vô sinh - 1

Một bệnh nhân đang điều trị xoắn tinh hoàn tại Bệnh viện Việt Đức. Ảnh: BSCC.

PGS.TS Nguyễn Quang - Giám đốc Trung tâm Nam học, Bệnh viện HN Việt Đức cho biết, xoắn tinh hoàn sẽ không chỉ để lại những hậu quả nặng nề về chức năng sinh sản, rối loạn về nội tiết của bệnh nhân mà còn những rối loạn tâm lý. Bệnh nhân thường sẽ mặc cảm, tự ti trong cuộc sống và phải đặt tinh hoàn nhân tạo với mục đích thẩm mỹ nhưng không có chức năng về mặt nội tiết và chức năng sinh sản.

Điều đáng nói là không ít người đang chủ quan hoặc không có hiểu biết về căn bệnh này, nên khi bị xoắn tinh hoàn thường nhầm lẫn sang bệnh lý khác, nhất là với viêm tinh hoàn, từ đó có thể dẫn tới việc điều trị sai hướng, bỏ lỡ "thời gian vàng". Bệnh viêm tinh hoàn thường chỉ cần điều trị kháng sinh còn bệnh nhân xoắn tinh hoàn buộc phải phẫu thuật gỡ xoắn.

Đa số trường hợp xoắn tinh hoàn thường do đặc điểm di truyền làm cho tinh hoàn xoay dễ dàng bên trong cả hai bìu. Xoắn tinh hoàn thường xảy ra vài giờ sau một hoạt động mạnh, một chấn thương nhẹ của tinh hoàn hoặc khi đang ngủ. Thời tiết lạnh, rối loạn thần kinh thực vật cũng có thể gây nguy cơ xoắn tinh hoàn.

Dấu hiệu dễ phân biệt nhất của xoắn tinh hoàn là đau đột ngột vùng bìu, kèm theo đó là hiện tượng sưng. Bệnh nhân cũng có thể nôn, ói mửa, đôi khi đau bụng dữ dội… Khi dùng tay sờ vào bìu sẽ thấy bên sưng và lên cao hơn bình thường.

Xoắn tinh hoàn thường có 2 loại:

- Xoắn ngoài tinh mạc: Loại này thường chỉ gặp ở trẻ nhỏ. Cơ chế do dây chằng bìu tinh hoàn chưa được cố định hoàn toàn, tinh hoàn di chuyển và tự xoay quanh trục tự do trong bìu dẫn tới xoắn.

- Xoắn trong tinh mạc: Loại này thì gặp ở nam giới và thanh niên trưởng thành. Do sự bất thường của thừng tinh và tinh mạc bám cao làm cho tinh hoàn di động như quả lắc chuông, gây nguy cơ xoắn tinh hoàn cao. Ngoài ra theo cơ chế cơ nâng bìu nên đa phần tinh hoàn bên trái sẽ xoắn ngược chiều kim đồng hồ còn tinh hoàn bên phải thì xoắn cùng chiều kim đồng hồ.

Để phòng xoắn tinh hoàn, các chuyên gia khuyến cáo nam giới không nên tập thể dục quá mạnh, đặc biệt tránh tác động vào vùng kín. Cần có thời gian vận động hợp lý, không ngồi một chỗ quá lâu, không mặc đồ lót quá chật, và với điều kiện thời tiết lạnh cần tránh bị lạnh đột ngột. Ngoài ra, nên quan hệ tình dục an toàn, tránh các tư thế mạnh.

Bố ngó lơ khi con 3 tuổi kêu đau vùng dưới, 3 ngày sau bế đi cấp cứu, BS cảnh báo: Suýt phải cắt tinh hoàn