Đậu bắp có nhiều dược tính tốt cho sức khoẻ - Ảnh: ST
Đậu bắp có nhiều dược tính tốt cho sức khoẻ - Ảnh: ST
Đậu bắp chứa nhiều dược tính tốt cho sức khỏe
Đậu bắp là loại cây được người dân trồng để lấy quả và làm rau ăn. Loại cây này rất dễ trồng và thích nghi với mọi điều kiện nên được trồng khắp Việt Nam.
Cây đậu bắp thuộc họ bông Malvaceae, có tên thường gọi là: mướp tây, bụp bắp, bắp chà, bông vàng, thảo cà phê, …
Theo BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (cơ sở 3) toàn thân đậu bắp từ quả, hạt, rễ được dùng làm thuốc với nhiều giá trị dược liệu tốt cho sức khoẻ, được các nghiên cứu khoa học hiện đại chứng minh, cụ thể:
Trong quả đậu bắp tươi có chứa dịch nhầy, hydrat carbon, protein, flavonoid, scopoletin và các vitamin A, B1, B2, B3, B9, C, E, K… các khoáng chất canxi, sắt, kẽm, kali, magie.
Lá đậu bắp có nhiều khoáng chất K, Mg, Na, Ca, Fe, Mn, Zn, tannin, chất nhầy và giàu các dẫn xuất flavonoid.
Rễ đậu bắp có chứa polysaccharide, carbonhydrate, dầu, chất nhầy, flavonoid và một số thành phần có tác dụng chống oxy hóa khác.
Hạt đậu bắp chứa 15-20% chất dầu lỏng, xanh, mùi dễ chịu, thành phần chủ yếu là Acid oleic, palmitic và stearic. Ngoài ra, hạt còn chứa protein, lipid, chất xơ và carbonhydrat và các thành phần có tác dụng chống oxy hóa như: beta-caroten, catechin, epicatechin, rutin, quercetin, procyanidin B1, procyanidin B2.
Với những dưỡng chất thiết yếu và giá trị dược liệu tiêu biểu, đậu bắp được ví như "sâm" rẻ tiền, tốt cho sức khoẻ.
Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ cho hay, trong Đông y đậu bắp có vị ngọt, tính mát, không độc. Có tác dụng lợi tiểu, nhuận tràng, trị các chứng tiêu khát.
Quả non dùng để nấu ăn, khi nấu thái mỏng, nấu sẽ cho một chất nhầy và có vị hơi chua ăn mát, thường dùng trong trường hợp viêm đường tiểu tiện, tiểu tiện khó khăn.
Rễ và lá thái mỏng phơi khô dùng làm thuốc chữa ho, viêm họng. Ngày uống 10 – 16g dưới dạng thuốc sắc hay pha nước uống, ngoài ra còn có thể dùng để súc miệng.
"Đậu bắp được dùng để điều trị bệnh lỵ, tiêu chảy trong viêm đường ruột cấp tính và kích thích dạ dày, ruột. Quả đậu bắp chứa nhiều chất xơ và chất nhầy có tác dụng nhuận tràng nhẹ, giúp trợ tiêu hoá. Ngoài ra, chất nhầy còn được sử dụng để điều trị loét dạ dày và tá tràng", bác sĩ Tấn Vũ nói.
Theo một số nghiên cứu gần đây, hợp chất glycosyl hóa của vỏ đậu bắp các tác động ức chế sự thâm nhập và bám dính của vi khuẩn Helicobacter pylori vào lớp niêm mạc dạ dày giúp cải thiện tình trạng loét của bệnh nhân.
Bác sĩ Vũ cho biết các chất oxy hóa trong đậu bắp có tác dụng bảo vệ gan. Các chất procyanidin B2, procyanidin B1 và rutin có hoạt tính chống oxy hóa giúp bảo vệ tế bào gan.
Hạt đậu bắp chứa nhiều các polyphenol và flavonoid hơn so với vỏ, có tác động chống mệt mỏi.
Đậu bắp có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer liên quan tới biến đổi gen, giảm nguy cơ mắc các bệnh thoái hóa thần kinh khác liên quan đến stress, oxy hoá.
Theo bác sĩ Vũ, đậu bắp còn có tác dụng hạ đường huyết và lipid máu. Quả đậu bắp làm giảm đường huyết sau ăn và cải thiện lipid máu. Cơ chế giúp hạ đường huyết đậu bắp là do kích thích tổng hợp glycogen ở gan, chậm hấp thu glucose ở ruột do ức chế men alpha glucosidase, kích thích tái sinh tế bào beta tụy. Đậu bắp làm giảm hấp thu lipid trong thức ăn, ức chế quá trình tạo mỡ, hỗ trợ điều trị hội chứng chuyển hóa, giảm lipid máu rõ rệt.
Đậu bắp còn là món ăn giảm huyết áp, tốt xương khớp, nhờ chất nhầy và các thành phần khoáng chất phong phú trong quả, giúp ngăn ngừa, phòng chống bệnh loãng xương.
Bác sĩ Vũ khuyến cáo, đậu bắp lành tính, không độc, có thể sử dụng lâu dài mà không có tác dụng phụ. Tuy nhiên, khi sử dụng đậu bắp cần lưu ý như sau:
- Đậu bắp có tác dụng hỗ trợ hạ đường huyết và huyết áp nhưng dùng quá nhiều sẽ làm tăng nguy cơ tụt đường huyết.
- Đối với bệnh nhân đái tháo đường nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
- Người bị lạnh bụng, tiêu chảy không nên dùng đậu bắp.
- Không nên chiên xào đậu bắp vì sẽ làm hao hụt dưỡng chất.