Loại rau cực giàu collagen mà người Việt đang bỏ phí!
Trong vườn nhà, có một loại rau thường mọc li ti thành từng đám, vùng càng ẩm càng sinh sôi nảy nở ầm ầm đó chính là rau má. Nhiều người tưởng đó là cỏ dại nên chưa biết tận dụng, thực tế loại rau này đang được bán với giá gấp 2-3 lần bó rau bình thường. Thành phần dinh dưỡng của chúng cũng vô cùng đặc biệt.
Theo nghiên cứu của y học hiện đại, các thành phần của rau má (tính theo %) như sau: Nước 88,2; Protein 3,2; Glucid 1,8; Cellulose 4,5; Khoáng toàn phần 2,3. Trong 100g rau má còn cung cấp 21 calo.
Ngoài ra, có nhiều công trình nghiên cứu còn cho thấy trong dịch chiết của rau má có khả năng kích hoạt quá trình phân chia tế bào và kích thích sự tổng hợp collagen của mô liên kết. Có tác dụng làm lành vết thương, giúp da căng bóng. Đó cũng là lý do vì sao rau má là nguyên liệu của biết bao sản phẩm chăm sóc da, có tác dụng giảm lão hóa, khiến da trắng hồng.
Bên cạnh đó, rau má còn chứa khá nhiều dưỡng chất thực vật (phytonutrients) quý hiếm. Bên cạnh việc dùng làm món ăn, thức uống mát lành thì rau má còn được tận dụng như một loại thực phẩm chức năng để hỗ trợ tiêu nhiệt, giải cảm, trị bệnh tim mạch, bệnh thần kinh.
Rau má chế biến theo cách này sẽ vừa ngon, vừa chữa được bệnh
Theo lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội): Trong Đông y, rau má có vị đắng, hơi ngọt, tính mát. Có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, chống nhiễm trùng, chống độc, lợi tiểu. Từ rau má, chúng ta có thể sử dụng để điều chế thành nhiều món ăn, bài thuốc sau đây.
1. Nước giải khát bổ dưỡng, nước sinh tố
Cách làm: Dùng rau má sạch, xay lấy nước cốt hòa nước dừa xiêm, uống hỗn hợp này sẽ thấy tác dụng.
2. Giải nhiệt, trị nóng sốt, kinh phong, lở ngứa, mụn nhọt
Cách làm: Giã rau má lấy nước uống và xoa, đắp ngoài.
3. Chữa bụng xốn xáo, nóng ruột, nhiệt uất sinh nóng rét qua lại, đau bụng dưới, chán ăn
Cách làm: Dùng 1 nắm rau má, đem đi sắc uống.
4. Chữa cảm sốt, khát nước, nhức đầu, da nóng, kén ăn, nổi mẩn ngứa
Cách làm: Chuẩn bị 1 nắm rau má, 1 nắm rau sam, 30g sắn dây. Đem đi giã, cho thêm nước sôi, chắt lấy nước uống hoặc sắc uống.
5. Giải ngộ độc (nấm độc, thạch tín…)
Cách làm: Giã nát 250g rau má và 250g rau muống, hòa nước sôi, chắt lấy nước uống.
6. Chảy máu chân răng, chảy máu cam, thổ huyết, niệu huyết…
Cách làm: Lấy 30g rau má, 15g cỏ nhọ nồi, 15g trắc bá diệp đi sao cháy, sắc làm thuốc uống.
7. Trị ho, tiểu buốt, tiểu rắt
Cách làm: Lấy nắm rau má tươi. Đem đi giã lấy dịch tươi uống hoặc sắc uống.
8. Trị khí hư bạch đới, đau bụng kinh
Cách làm: Lấy rau má khô, tán bột, uống 2 thìa cà phê vào mỗi buổi sáng.
9. Làm thuốc lợi sữa
Cách làm: Ăn Rau má tươi, hoặc luộc ăn và uống nước.
10. Làm kem, trị vết thương lâu lành
Cách làm: Dùng rau má chế dạng kem để bôi ngoài.
Những lưu ý cần biết khi sử dụng rau má để làm thực phẩm hay chữa bệnh
Thưa lương y Bùi Đắc Sáng, rau má được sử dụng rộng rãi trong đời sống, nhưng chúng có an toàn để sử dụng với số lượng lớn không?
Lương y Bùi Đắc Sáng: Rau má không hoàn toàn lành tính. Nếu dùng quá lạm dụng, có thể gây ra những tác hại khôn lường ảnh hưởng tới sức khỏe. Việc dùng quá nhiều rau má sẽ làm tăng lượng đường trong máu. Điều này rất nguy hiểm, bởi nó khiến lượng cholesterol cũng tăng, dẫn đến nhiều căn bệnh khác. Đặc biệt, người bị tiểu đường càng không nên ăn nhiều rau má.
Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng, việc uống lạm dụng nước rau má để giải nhiệt, có thể bị nhức đầu, thậm chí mất ý thức thoáng qua. Vì vậy không nên sử dụng quá nhiều.
Phụ nữ đang mang thai và cho con bú nên tránh ăn rau má bởi các chất trong loại rau này có thể dẫn đến khả năng sảy thai cho chị em, vô cùng nguy hiểm.
Mặc dù rau má có công dụng làm đẹp nhất định với phụ nữ. Tuy nhiên, nếu chị em sử dụng lâu ngày loại rau này, sẽ làm giảm khả năng thụ thai. Do vậy với chị em đang mong muốn có con thì nên hạn chế sử dụng nước rau má.
Vậy mỗi ngày chúng ta có thể dùng liều lượng rau má như thế nào?
Lương y Bùi Đắc Sáng: Đến nay, chưa có một nghiên cứu nào nói chính xác về số lượng rau má sử dụng có thể gây bệnh, tuy nhiên rõ ràng cái gì quá nhiều cũng không tốt. Mỗi ngày, một người khỏe mạnh có thể dùng một cốc rau má, tương đương khoảng 40g. Lưu ý không nên sử dụng liên tục quá một tháng. Nếu muốn dùng tiếp thì nên nghỉ nửa tháng rồi có thể dùng đợt tới.
Có thông tin cho rằng, rau má có tính giải độc mạnh, nếu uống nước rau má mỗi ngày sẽ giúp thải độc tố, giúp tiêu diệt virus, bao gồm cả điều trị COVID-19 và phòng ngừa biến chứng đông máu do COVID-19 gây ra, điều này có đáng tin không thưa ông?
Lương y Bùi Đắc Sáng: Rau má là một vị thuốc nam. Vị đắng, hơi ngọt, tính mát. Có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, chống nhiễm trùng, chống độc, lợi tiểu. Trong Đông y, rau má thường mang tính chất giải nhiệt, chứ còn dùng mỗi rau má để chữa được COVID-19 hay làm giảm nguy cơ đông máu thì rất khó. COVID-19 là căn bệnh thường xuất hiện nhiều triệu chứng khác nhau, đôi khi mỗi bệnh nhân lại có một kiểu tiến triển bệnh khác. Hơn nữa, các bài thuốc trong Đông y đều cần sự kết hợp chính xác của nhiều vị thuốc. Do đó nếu dùng rau má để chữa COVID-19 thì không có căn cứ.
Cần lưu ý thêm rằng rau má cũng là một thực phẩm chức năng, thực phẩm thuốc, nên khi sử dụng cần có định mức, liều lượng. Rau má có tính hàn, rất dễ gây lạnh bụng, nên uống quá nhiều có thể gây tiêu chảy. Người bị bệnh nên tiêu thụ rau má dưới lời khuyên của chuyên gia.
Ngoài ra, uống nước rau má tươi có thể gây rối loạn tiêu hóa, ngộ độc nếu như không được vệ sinh cẩn thận, hoặc rau má có chứa thuốc bảo vệ thực vật, mọi người cũng nên lưu ý điều này.
Cảm ơn ông đã dành thời gian chia sẻ!