Mới đây, tại chợ nông sản Chi Lăng (Lạng Sơn), ban tổ chức đã đấu giá thành công nhiều trái na với mức giá cao ngất ngưởng. Trong đó, 2 quả na dai Chi Lăng có giá lần lượt là 200 triệu và 220 triệu đồng/trái. Ban tổ chức cũng đấu giá thành công 1 quả na bở với số tiền lên tới 100 triệu đồng - mức giá cao chưa từng có.
Nhà khoa học Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội, cho hay na là cây ăn quả được trồng ở nhiều nơi. Có hai loại na, na dai và na bở (na bột), trong đó na dai được trồng nhiều hơn na bột.
Na có tên khoa học là Annona squamosa L., thuộc Họ Na - Annonaceae. Thịt quả na trắng, mềm, thơm ngọt. Mỗi múi chứa một hạt hình bầu dục, vỏ cứng, màu đen nhánh. Cây ra hoa vào tháng 3-4, mùa quả vào tháng 8-11.
Thịt quả na rất giàu vitamin C, chất chống oxy hóa, vitamin và khoáng chất như magiê và sắt. Na có chứa carbohydrate đơn giản và không có chất béo có hại cho cơ thể.
Na là loại quả được nhiều người yêu thích (ảnh minh hoạ - st)
Chất chống oxy hoá chủ yếu được tìm thấy trong quả na là polyphenolic. Nổi bật nhất là acetogenin annonaceous với các hợp chất assimicin và annonacin là những cytotoxin mạnh. Đây là những hợp chất có khả năng chống ung thư, sốt rét và tẩy giun.
Nhà khoa học Bùi Đắc Sáng cho biết quả na chín có khả năng cân bằng natri và kali, có tác dụng tốt trong quá trình điều chỉnh mức huyết áp và nhịp tim. Chất chống oxy hóa và vitamin C trong quả na chín cũng có tác dụng mạnh mẽ đối với việc ngăn ngừa sự hình thành gốc tự do, ngăn chặn cholesterol gây hại, bảo vệ tim mạch.
Na cũng là loại quả có chứa hàm lượng chất xơ cao, ăn hàng ngày giúp cải thiện tình trạng táo bón một cách hiệu quả. Chất xơ trong quả na chín còn có tác dụng giảm cholesterol trong máu, bảo vệ niêm mạc ruột khỏe mạnh.
Ngoài ra, các hợp chất chống oxy hóa quý giá như polyphenol, assimicin và bullatacinare... bảo vệ sức khoẻ, ngăn ngừa ung thư.
Vị thuốc quý
Theo lương y Bùi Đắc Sáng, không chỉ là trái cây được nhiều người ưa thích, na còn là vị thuốc quý. Bộ phận dùng làm thuốc là quả, lá, rễ, hạt.
Quả na có vị ngọt, hơi chua, tính ấm. Quy kinh: Tỳ, Phế, Thận. Thịt quả na có tác dụng hạ khí, tiêu đờm. Chủ trị: Lỵ, tiết tinh, đái tháo, tiêu khát; u nhọt.
Lá na có vị đắng, hăng, chát. Tác dụng: hòa giải thiếu dương. Trong dân gian dùng lá na để trị sốt rét cơn, liều dùng: 20-30g/ngày. Rễ cây na được dùng để trị giun đũa, ợ hơi. Hạt na có tác dụng trừ chấy rận.
Bài thuốc hay từ quả na:
- Chữa lỵ, tiết tinh, đái tháo, tiêu khát: Na chín lượng đủ dùng ăn trực tiếp.
- Chữa nhọt vú: na điếc 1 quả, giấm đủ dùng. Mài na trộn với giấm bôi lên ngực.
- Chữa sốt rét cơn: lá na một nắm, giã nhỏ, chế nước sôi, vắt lấy nước cốt uống trước khi lên cơn 2 giờ, ngày 01 lần.
- Chữa giun đũa, ợ ra nước dãi trong: Rễ cây na, rửa sạch, sao qua, sắc uống.
- Chữa mụn nhọt: Lá na tươi rửa sạch, lưu ý dùng lá na già, giã nhỏ, cho thêm ít muối. Đắp hỗn hợp nên vùng mụn nhọt.
- Thuốc trừ chấy rận: Dùng hạt na giã nhỏ, pha thêm rượu trắng, dùng hỗn hợp này bôi lên chân tóc và ủ khoảng 15-20 phút. Sau đó gội đầu thật sạch. Đây là bài thuốc dân gian trị chấy rận rất hiệu quả.
- Chữa tắc tia sữa: Phụ nữ sau sinh bị tắc tia sữa, sưng đau vú có thể áp dụng bài thuốc sau: dùng quả na điếc, sao cho ấm lên rồi đắp lên vú.
- Tẩy giun sán: quả và rễ na sắc nước uống để trị giun sán.