Nữ vận động viên Claire Michel thuộc đội tuyển 3 môn phối hợp (bơi, đạp xe, chạy bộ) Bỉ tham tham dự Olympic 2024 đã phải nhập viện trong vòng 4 ngày sau khi bơi ở sông Seine. Theo truyền thông Bỉ, cô được chẩn đoán mắc bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn E.coli.
VĐV của New Zealand Hayden Wilde, người vừa giành huy chương bạc ba môn phối hợp nội dung cá nhân nam tại Olympic Paris, cũng bị nhiễm vi khuẩn E. coli sau khi bơi ở sông Seine trong cuộc thi hôm 31/7.
Số lượng VĐV nhiễm bệnh tiếp tục tăng vào những ngày sau đó, theo AP. Chưa có tuyên bố chính thức nào về nguyên nhân gây ra các vấn đề sức khỏe của VĐV, nhưng chất lượng nước sông Seine đang bị nghi ngờ.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, Escherichia coli (E. coli) là một loại vi khuẩn thường được tìm thấy trong ruột của người và động vật. Hầu hết chủng E.coli đều vô hại, song một số sản sinh độc tố Shiga (STEC), có thể gây bệnh nghiêm trọng. Vi khuẩn lây truyền sang người chủ yếu thông qua tiêu thụ thực phẩm hoặc tiếp xúc với môi trường ô nhiễm.
Hai loại nhiễm E.coli phổ biến bao gồm nhiễm trùng đường tiêu hóa và đường tiết niệu (UTI). Các loại khác bao gồm nhiễm trùng máu, viêm tuyến tiền liệt, viêm vùng chậu, nhiễm trùng túi mật, nhiễm trùng vết thương hở, viêm phổi (hiếm gặp), viêm màng não (hiếm gặp).
Các triệu chứng nhiễm E.coli gồm đau bụng và tiêu chảy. Một số ca có thể tiến triển thành tiêu chảy ra máu (viêm đại tràng xuất huyết), số khác bị nôn. Thời gian ủ bệnh có thể kéo dài từ ba đến 8 ngày, trung bình là ba đến 4 ngày.
Hầu hết bệnh nhân hồi phục trong 10 ngày, song một tỷ lệ nhỏ bệnh nhân (đặc biệt là trẻ em và người già) có thể nguy hiểm tính mạng. Họ mắc hội chứng tan máu tăng urê (HUS), tiến triển thành suy thận cấp, thiếu máu và giảm tiểu cầu.
Theo ước tính, khoảng 10% người nhiễm E.coli chủng nguy hiểm có thể phát triển HUS, với tỷ lệ tử vong dao động từ 3 đến 5%. Nhìn chung, HUS là nguyên nhân phổ biến nhất gây suy thận cấp ở trẻ nhỏ. Nó có thể gây ra các biến chứng thần kinh (như co giật, đột quỵ và hôn mê) ở 25% bệnh nhân HUS và di chứng thận mãn tính, thường nhẹ, ở khoảng 50% số người sống sót.
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng nhiễm khuẩn E.coli. Các nguồn phơi nhiễm tiềm ẩn gồm thực phẩm, nước ô nhiễm và tiếp xúc giữa người với người.
Nữ vận động viên Claire Michel thuộc đội tuyển 3 môn phối hợp (bơi, đạp xe, chạy bộ) Bỉ. Ảnh: NBC News
Thực phẩm ô nhiễm
Các loại thịt: Trong quá trình giết mổ và chế biến gia súc, vi khuẩn E. coli trong ruột của chúng có thể bám vào thịt. Các loại thịt xay kết hợp từ nhiều động vật khác nhau có thể là tăng nguy cơ nhiễm khuẩn
Sữa tươi tiệt trùng: Vi khuẩn E.coli trên đầu vú bỏ hoặc thiết bị vắt sữa có thể xâm nhập vào sữa thô, từ đó gây bệnh.
Sản phẩm tươi: Nước chảy ra từ các trang trại chăn nuôi có thể làm ô nhiễm cánh đồng trồng rau quả tươi. Một số loại rau, chẳng hạn như rau bina và rau diếp, đặc biệt dễ nhiễm loại khuẩn này.
Nguồn nước ô nhiễm
Phân người và động vật có thể gây ô nhiễm nguồn nước, gồm nước suối, sông, hồ và nước dùng để tưới tiêu. Hệ thống nước công cộng thường sử dụng clo, tia cực tím hoặc ozone để tiêu diệt E. coli, một số đợt bùng phát có thể liên quan đến nguồn cung cấp nước đô thị bị ô nhiễm.
Hiện không có vaccine hoặc thuốc phòng ngừa nhiễm khuẩn E.coli. Dù vậy, các nhà nghiên cứu đang nỗ lực điều chế loại vaccine tiềm năng. Để giảm tiếp xúc với E.coli, chuyên gia khuyến nghị tránh uống nước từ sông hồ, bể bơi, rửa tay thường xuyên, tránh các loại thực phẩm nguy hiểm và chú ý đến tình trạng lây nhiễm chéo.
Để ngăn ngừa lây nhiễm chéo, bạn cần rửa sạch đồ dùng làm bếp như dao, thớt trước và sau khi thái thực phẩm tươi sống; giữ thực phẩm sống ở khu vực riêng trong tủ, không dùng thớt thái đồ sống để chế biến đồ chín.