Theo Trung tâm y tế Thanh Sơn, Phú Thọ, vừa qua các bác sĩ đã tiếp nhận và điều trị cho người bệnh H.V.I (44 tuổi, trú tại Yên Lập) bị viêm tụy cấp mức độ nặng do tăng Triglyceride máu.
Người bệnh nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, đau bụng dữ dội. Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm, bác sĩ cho biết bệnh nhân bị viêm tụy cấp phù nề, xét nghiệm men tụy tăng cao, mức độ triglyceride lúc vào là 106 mmol/l (gấp hơn 50 lần so với chỉ số bình thường). Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm tụy cấp.
Ảnh minh họa
Ngay lập tức, người bệnh được thiết lập đường truyền Catheter tĩnh mạch trung tâm để truyền dịch tích cực, giảm đau và hạ mỡ máu bằng insulin tĩnh mạch liều 0.3 UI/kg/h liên tục.
Sau 3 ngày điều trị, hiện tại người bệnh đã hết đau bụng, mức độ mỡ máu về giới hạn cho phép, người bệnh bắt đầu ăn lại bằng đường miệng.
BS CKI Mai Giang Nam – Trưởng khoa Cấp cứu Hồi sức tích cực và chống độc cho biết: Viêm tụy cấp do tăng mỡ máu gặp khoảng 30-35% trong tổng số bệnh nhân viêm tụy cấp nhập viện. Với mức triglyceride >5.6 mmol/L bệnh nhân có nguy cơ bị viêm tụy cấp, nếu triglyceride >11.3 mmol/L nguy cơ mắc viêm tụy cấp là 5%, tỷ lệ này tăng lên 10-20% khi mức triglyceride > 22.6 mmol/l
Làm gì để phòng ngừa viêm tụy cấp và viêm tụy tái phát?
Viêm tụy cấp do tăng mỡ máu thường nặng hơn và đe dọa tính mạng bệnh nhân hơn so với các nguyên nhân khác. Nếu mỡ máu của bệnh nhân không được điều trị thì nguy cơ viêm tụy cấp tái phát và tiếp đó sẽ dẫn đến viêm tụy mạn gây suy cả tuyến tụy nội tiết và ngoại tiết.
Để phòng bệnh viêm tụy cấp, tốt nhất không nên uống rượu bia, thức uống có cồn; ăn uống khoa học, vệ sinh với chế độ ăn giảm tinh bột, hạn chế chất béo bão hòa, tăng cường nhiều rau xanh trái cây, luyện tập thể dục thể thao tối thiểu 30 phút mỗi ngày.
Đối với những người mắc bệnh đái tháo đường, thừa cân béo phì, mỡ máu, sỏi mật,… nên khám định kỳ để quản lý tốt bệnh nền, tránh để biến chứng gây viêm tụy cấp.