Ung thư lưỡi là căn bệnh ác tính có sự xuất hiện của 1 khối u phát triển trên mặt hoặc đằng sau lưỡi phía gần với cổ họng. Ở giai đoạn đầu, bệnh rất khó nhận biết bởi biểu hiện khá mờ nhạt, thậm chí còn bị nhầm lẫn với bệnh nhiệt miệng thông thường. Điều đó khiến người mắc chủ quan, chỉ phát hiện khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn nặng khiến việc điều trị trở nên khó khăn hơn.
Các triệu chứng của ung thư lưỡi?
Ở giai đoạn khởi phát, bệnh nhân sẽ cảm thấy lưỡi bị đau, đồng thời xuất hiện những mảng trắng bám chặt vào lưỡi và lan dần ra xung quanh. Tuy nhiên, biểu hiện khá mờ nhạt nên người bệnh thường chủ quan bỏ qua.
Đến giai đoạn toàn phát, các cơn đau ở lưỡi trở nên dai dẳng hơn, lưỡi lúc này xuất hiện vết loét trên bề mặt khiến nhiều người nghĩ là nhiệt miệng, có máu chảy trong miệng lẫn vào nước bọt, miệng xuất hiện mùi hôi do các tế bào lưỡi đang chết dần và bắt đầu phân hủy, lưỡi bị tổn thương nên việc nói và nuốt trở nên khó khăn…
Khi bệnh tiến triển nặng hơn, những vết loét đã ăn sâu vào lưỡi khiến bệnh nhân đau đớn dữ dội, gây chảy máu và nhiễm khuẩn. Vị trí hoại tử ngày càng to hơn khiến miệng có mùi hôi khó chịu hơn. Bệnh nhân khi đó còn bị sụt cân nhanh chóng, luôn cảm thấy mệt mỏi do việc ăn uống gặp khó khăn.
Ai dễ bị ung thư lưỡi?
Một số đối tượng sau có khả năng mắc bệnh ung thư lưỡi cao hơn những người khác:
- Người vệ sinh răng miệng kém
- Những người có thói quen hút thuốc, uống rượu và thích nhai trầu
- Những người thích ăn đồ cay nóng
- Những người có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư lưỡi hoặc khoang miệng
Làm thế nào để phòng tránh ung thư lưỡi trong cuộc sống hàng ngày?
- Xây dựng thói quen sinh hoạt và ăn uống lành mạnh như ăn nhiều rau xanh, không ăn thức ăn quá nóng, tránh ăn thực phẩm chế biến sẵn, hạn chế hút thuốc, uống rượu bia…
- Chú ý giữ vệ sinh răng miệng bằng cách ngày đánh răng sáng và tối, súc miệng sau mỗi bữa ăn
- Không thể bỏ qua việc khám sức khỏe định kỳ, khám răng miệng, nhất là ở nhóm nguy cơ cao
Nguồn bài và ảnh: QQ, Pinterest