Tết Nguyên đán đến, kéo theo đó là các bữa tiệc liên hoan, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cảnh báo tình trạng ngộ độc methanol.
Ngộ độc methanol nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời thì nguy cơ tử vong cao, thậm chí qua cơn nguy kịch, cứu được tính mạng, song vẫn để lại các di chứng nặng nề. Thế nhưng, với người dân rất khó để phân biệt được rượu chứa methanol với các loại rượu thông thường. Thậm chí, khi uống vào, rượu pha methanol còn ngọt, dễ uống hơn, bệnh nhân cũng có cảm giác say nên dễ bị nhầm lẫn.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo, cồn y tế cũng là methanol, chỉ dùng để sát trùng, chứ không thể uống. Thế nhưng, rượu pha cồn công nghiệp vẫn đang bán trôi nổi trên thị trường, trong các quán ăn, nhà hàng mà chưa được kiểm soát tốt.
Theo chuyên gia, trong các ngày Tết, lượng rượu, bia hấp thụ nhiều hơn bình thường khiến gan không kịp sản xuất đủ men để chuyển hóa cồn. Lúc này các độc chất được tạo ra từ rượu, bia sẽ bị ứ lại trong cơ thể, trực tiếp phá hủy tế bào gan và gây độc cho nhiều cơ quan nội tạng khiến cơ thể bị mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn… thậm chí có thể nhập viện do men gan cao, viêm gan cấp, suy gan...
Uống rượu, bia thời gian dài sẽ dẫn đến nghiện rượu, sút cân, chán ăn, rối loại tiêu hóa do tổn thương gan và ruột đặc biệt gây thoái hóa gan, xơ gan dẫn tới ung thư gan…
Để bảo đảm sức khỏe trong dịp Tết cổ truyền, Bộ Y tế khuyến cáo người dân hạn chế uống rượu, bia vì không có ngưỡng nào là an toàn. Nếu có uống: không nên uống quá hai đơn vị cồn/ngày với nam giới, một đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới và không uống quá 5 ngày/tuần. (Một đơn vị cồn tương đương 10 gram cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống. Như vậy một đơn vị cồn tương đương với 3/4 chai/lon bia 330 ml (5%); một cốc bia hơi 330 ml; một ly rượu vang 100 ml (13,5%); hoặc một chén rượu mạnh 30 ml (40%).
Đặc biệt, không sử dụng rượu bia trong các trường hợp: điều khiển phương tiện cơ giới, vận hành máy móc, phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú, đang điều trị thuốc có phản ứng với cồn, có các tình trạng bệnh lý mà rượu bia làm cho bệnh nặng lên.
Không nên tham gia vào các hoạt động ngoài trời hoặc ở những nơi nguy hiểm, không an toàn vì dễ bị ngã, va chạm, chấn thương,…
Tuyệt đối không điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu, bia….