Mẹ bầu cần tránh hai loại rau này, cẩn thận kẻo mất con

Có những loại thực phẩm rất tốt cho cơ thể nhưng lại không tốt cho bà bầu, thậm chí còn có thể gây sảy thai.

  

Rau chùm ngây

Tiến sĩ Hồ Thu Mai – Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Vinmec cho biết, nếu so sánh giá trị dinh đưỡng của rau chùm ngây với một số thực phẩm khác thì hàm lượng dinh dưỡng của chùm ngây cao hơn nhiều. Chẳng hạn, hàm lượng K trong 100g của chuối là 88mg còn với chùm ngây là 259mg (chùm ngây gấp hơn 3 lần). Hàm lượng vitamin C của cam là 30 mg/100 g, còn với chùm ngây là 120 mg/100g (dinh dưỡng của chùm ngây gấp 4 lần).

Mẹ bầu cần tránh hai loại rau này, cẩn thận kẻo mất con - 1

Rau chùm ngây giá trị dinh dưỡng cao và nhiều công dụng với sức khỏe nhưng lại không tốt với bà bầu. Ảnh minh họa

Tiến sĩ Hồ Thu Mai cũng cho biết thêm, bên cạnh giá trị dinh dưỡng cao, chùm ngây còn là nguồn dược liệu quý. Các bộ phận của cây chứa nhiều khoáng chất quan trọng và là nguồn cung cấp chất đạm, vitamin, Beta – carotene, acid amin và nhiều hợp chất phenolics. Cụ thể:

Rễ cây chùm ngây còn có tác dụng chống co giật, chống sưng và giúp cho con người lợi tiểu;  Giúp loại bỏ sạn thận loại Oxalate; Vỏ rễ dùng sắc lấy nước trị đau răng, đau tai; Rễ tươi của cây chùm ngây non dùng trị nóng sốt, phong thấp, sưng gan và lá lách...

Vỏ thân cây chùm ngây có tác dụng trị nóng sốt, đau dạ dày, sâu răng...

Lá cây chùm ngây giã nát lá đắp lên vết thương giúp trị sưng và nhọt. Lá cũng có thể trộn với mật ong để đắp lên mắt trị sưng đỏ.

Hạt cây chùm ngây giúp trị táo bón, mụn cóc và giun sán. Ngoài ra, hạt chùm ngây còn có tác dụng lọc nước. Hạt có chứa các hợp chất "đa điện giải" tự nhiên có thể dùng làm chất kết tủa để làm trong nước.

Mặc dù rau chùm ngây có rất nhiều công dụng nhưng TS Hồ Thu Mai cũng khuyến cáo không nên ăn rau chùm ngây trong một thời gian dài, ăn quá nhiều vì loại cây này có nhiều dưỡng chất, hàm lượng vitamin C và canxi. Nếu ăn nhiều dẫn đến thừa canxi, vitamin C, gây những hậu quả xấu cho sức khỏe. Tránh ăn chùm ngây vào buổi tối để đảm bảo giấc ngủ  vì chùm ngây gây mất ngủ.

Đặc biệt, phụ nữ có thai không nên ăn chùm ngây. Vì trong rau chùm ngây có alpha – sitosterol gây co cơ trơn tử cung và làm sẩy thai. Phụ nữ có thai giai đoạn đầu tuyệt đối không nên ăn rau chùm ngây để giữ an toàn cho thai nhi và mẹ. Ở một số nơi còn dùng nước uống của chùm ngây để ngăn ngừa việc có thai. (rễ cây chùm ngây còn tươi rửa sạch băm nhỏ nấu với 2 lít nước, nấu còn nửa lít thuốc, chia uống 2 lần trong ngày) và dùng vỏ thân cây chùm ngây đưa vào tử cung để gây giãn nở, phá thai.

Rau ngót

Theo Đông y, lá rau ngót tính mát lạnh, ngoài tác dụng thanh nhiệt, giải độc còn lợi tiểu, tăng tiết nước bọt, bổ huyết, cầm huyết, nhuận tràng, sát khuẩn, tiêu viêm, sinh cơ. Rễ vị hơi đắng. Cả lá và rễ cây ngót đều có tác dụng với sức khỏe. Lá rau ngót chữa ban sởi, ho, viêm phổi, sốt cao, đái rắt, tiêu độc. Rễ còn lợi tiểu, thông huyết.

Mẹ bầu cần tránh hai loại rau này, cẩn thận kẻo mất con - 2

Bà bầu không nên ăn nhiều rau ngót. Ảnh minh họa

Rau ngót giàu chất dinh dưỡng, là nguồn cung cấp chất xơ quý, giúp ruột tiêu hóa dễ dàng, có tác dụng chống táo bón và phòng xơ vữa động mạch. 

Rau ngót có hàm lượng vitamin A, vitamin C cao hơn hẳn so với bưởi, chanh, cam... Đây là thành phần quan trọng trong quá trình sản xuất collagen, vận chuyển chất béo, điều chỉnh nồng độ cholesterol và miễn dịch.

Về giá trị dinh dưỡng, trong 100g rau ngót có chứa: Canxi: 169mg; Sắt: 2,7mg; Magie: 123mg; Mangan: 2.400mg; Kali: 457mg; Kẽm: 0,94mg; Đồng: 190mg; Protein: 5,3g; vitamin C: 185mg; vitamin A: 6650mg...

Với chất lượng đạm thực vật cao như vậy nên rau ngót được khuyên dùng thay thế đạm động vật để hạn chế những rối loạn chuyển hóa canxi gây loãng xương và sỏi thận.

Tuy nhiên, đối với phụ nữ mang thai thì các món ăn từ rau ngót lại được cảnh báo nguy hiểm nếu sử dụng nhiều.

Cho đến nay những nghiên cứu khoa học chưa có nghiên cứu nào chỉ ra tác hại của rau ngót với thai kỳ. Tuy nhiên, Dược thư Việt Nam 2002 ghi rõ khuyến cáo rằng: "Không dùng papaverin cho người có thai". Trong khi đó, rau ngót tươi có chứa hàm lượng papaverin cao gây hiện tượng co thắt cơ trơn tử cung, khiến chị em rất dễ sảy thai.

Theo kinh nghiệm dân gian, phụ nữ sau đẻ, sau sảy, sau nạo chữa sót rau nhau bằng cách: lá rau ngót 40g, rửa sạch giã nát. Thêm một ít nước đun sôi để nguội. Vắt lấy chừng 100ml nước. Chia làm hai lần uống, mỗi lần cách nhau 10 phút. Sau chừng 15 - 20 phút nhau sẽ ra. Chính vì vậy thai phụ, đặc biệt là với những thai phụ có tiền sử sảy thai liên tiếp, đẻ non, thụ tinh trong ống nghiệm nên hạn chế ăn rau ngót đặc biệt là uống nước rau ngót sống, liều cao.