Một bệnh lý về não nguy hiểm có thể gặp ở những người chơi các môn thể thao này

Những bộ môn thể thao cũng có thể gây ra các chấn thương cho người tham gia, đặc biệt là các chấn thương vùng đầu trong đó có bệnh não chấn thương mạn tính.

Ngày nay, nhiều người ngày càng chú trọng tham gia tập luyện các môn thể thao bởi chúng không chỉ giúp chúng ta nâng cao sức khỏe thể chất, tinh thần mà còn giúp ngăn ngừa nguy cơ bệnh tật về sau. Những người trẻ, đặc biệt là nam giới thường ưa thích những bộ môn thể thao thiên về sức mạnh và có tính đối kháng cao như bóng đá, quyền anh, kickboxing, đấu vật…Tuy nhiên, những bộ môn thể thao này cũng có thể gây ra các chấn thương cho người tham gia, đặc biệt là các chấn thương vùng đầu trong đó có bệnh não chấn thương mạn tính (CTE) - một chứng bệnh rối loạn thoái hóa não liên quan đến chấn thương vùng đầu lặp đi lặp lại.

Một bệnh lý về não nguy hiểm có thể gặp ở những người chơi các môn thể thao này - Ảnh 1.

Một nghiên cứu đáng chú ý mới được công bố hồi tháng 8/2023 trên trang Viện y Tế Quốc Gia Hoa Kỳ, khi tiến hành nghiên cứu não của 152 vận động viên chết dưới 30 tuổi, bị chấn thương đầu nhiều lần do chơi các môn thể thao như bóng đá, đấu vật, khúc côn cầu…cho thấy: khoảng 41% mắc bệnh não chấn thương mạn tính. Tự tử là nguyên nhân gây tử vong phổ biến nhất, sau đó là sử dụng quá liều thuốc.

Vậy bệnh não chấn thương mạn tính là gì? Biểu hiện của bệnh như thế nào?

Bệnh não chấn thương mạn tính (CTE) là bệnh thoái hóa thần kinh tiến triển do chấn thương đầu lặp đi lặp lại. Các triệu chứng của bệnh thường không xuất hiện ngay sau chấn thương vùng đầu mà chúng phát triển qua nhiều năm hoặc nhiều thập kỷ. Điều này khác với chấn động não, thường xảy ra ngay sau một va chạm mạnh vào vùng đầu với các biểu hiện như đau đầu, nôn mửa, lú lẫn hoặc mất trí nhớ tạm thời.

Các triệu chứng của bệnh não chấn thương mạn tính thường liên quan đến thay đổi về nhận thức, hành vi, tâm trạng và lối sống như:

Suy giảm nhận thức: Mất tập trung chú ý, suy giảm trí nhớ, giảm khả năng đưa ra quyết định, khả năng phán đoán và thực hiện nhiệm vụ.

Thay đổi hành vi bao gồm hành vi bốc đồng, hiếu chiến.

Một bệnh lý về não nguy hiểm có thể gặp ở những người chơi các môn thể thao này - Ảnh 2.

Thay đổi tính cách: người bệnh trở lên trầm lắng, thờ ơ, mất ổn định cảm xúc và có thể có xu hướng tự sát.

Một số người có các triệu chứng thực thể đi kèm như đau đầu kéo dài, nói chậm, nói ngọng, hoặc khó khăn khi đi lại, giữ thăng bằng.

Nguyên nhân gây ra bệnh này là gì?

Cơ chế trực tiếp gây ra bệnh này vẫn chưa thực rõ ràng. Qua khám nghiệm tử thi, các nhà nghiên cứu phát hiện ở não của người bệnh có tập trung một số protein lạ như Tau, TDP-43 hay tình trạng giảm trọng lượng não, teo các thùy não như thùy trán có chức năng kiểm soát việc đưa ra quyết đinh, lập kế hoạch hoặc teo thùy thái dương và hồi hải mã - có liên quan đến trí nhớ.

Chính vì vậy, ở những người có tiền sử chấn thương não lặp đi lặp lại, kể cả chấn thương não nhẹ đều góp phần vào sự phát triển của bệnh lý này. Trong bóng đá có thể kể đến đến các động tác như đánh đầu, va chạm đầu giữa các cầu thủ hoặc cú ngã đập đầu xuống sân; với bộ môn quyền anh, kickboxing thường liên quan đến các cú đấm vào vùng đầu, cổ…

Một bệnh lý về não nguy hiểm có thể gặp ở những người chơi các môn thể thao này - Ảnh 3.

Ngoài đối tượng là các vận động viên, những người ưa thích chơi các môn thể thao sức mạnh còn có những nhóm người khác cũng có nguy cơ mắc bệnh như quân nhân, đặc biệt là những người đã từng tiếp xúc với vụ nổ; nạn nhân của bạo hành gia đình (những người thường xuyên bị đánh vào vùng đầu) và những người bị rối loạn co giật (những cơn co giật có thể khiến người bệnh ngã đập đầu vào vật cứng khi bị mất ý thức). Ngoài ra, còn có thể do tác động thêm của các yếu tố khác như gen, tuổi tác hoặc thói quen sử dụng các chất kích thích…

Về chẩn đoán và điều trị bệnh não chấn thương mạn tính như thế nào?

Hiện nay, việc chẩn đoán bệnh chủ yếu dựa vào tiền sử bị chấn thương vùng đầu lặp đi lặp lại; các triệu chứng về rối loạn hành vi, cảm xúc và xét nghiệm hình ảnh học là chụp cộng hưởng từ sọ não để loại trừ các bệnh lý khác và có thể thấy các tổn thương não vùng rãnh đồi thị, teo thùy não. Hiện tại, chưa có phương pháp điều trị cho bệnh lý này.

Chủ động phòng ngừa các chấn thương vùng đầu lặp đi lặp lại được xem là biện pháp hữu hiệu nhất bao gồm:

Văn hóa thể thao: các vận động viên hoặc những người tham gia thể thao cần tuân thủ nguyên tắc, quy định của bộ môn thi đấu, tôn trọng đối thủ nhằm tạo ra môi trường an toàn. Học các kỹ năng bảo vệ bản thân trong quá trình tập luyện và thi đấu. Các huấn luyện viên cần hướng dẫn các bài tập tăng cường sức mạnh vùng cổ, đầu để tránh chấn thương.

Thiết bị bảo hộ phải đạt tiêu chuẩn bảo vệ, bao gồm mũ bảo hiểm, miếng đệm bảo vệ miệng để đảm bảo an toàn khi thi đấu.

Bệnh não chấn thương mạn tính là một bệnh lý phát triển trong nhiều năm, các triệu chứng có thể tùy mức độ nhẹ hoặc nặng. Khi có các dấu hiệu của bệnh, cần nhanh chóng liên hệ với bác sĩ để được tư vấn kịp thời.