Theo Science Daily, nghiên cứu đã được thực hiện trên 799 nam giới ở Mỹ, Canada, Úc và một số nước châu Âu, Nam Mỹ. Bệnh nhân được lựa chọn ngẫu nhiên để được xạ trị di căn xương - một biến chứng của ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn nặng, 1 nhóm khác được sử dụng thuốc Ipilimumab, là một liệu pháp miễn dịch đã được phê duyệt lâu nay để điều trị ung thư phổi, bàng quang và ung thư hắc tố (một loại ung thư da).
Ung thư tuyến tiền liệt ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe của nam giới và có tỉ lệ tử vong khá cao - Ảnh minh họa từ Internet
Bài công bố trên tạp chí khoa học European Urology cho biết sau các mốc 3, 4 và 5 năm theo dõi, nhóm được điều trị bằng liệu pháp miễn dịch đã có tỉ lệ sống sót cao hơn đến 2-3 lần so với nhóm đối chứng.
Bác sĩ Michael Kranier từ Khoa Y của Bệnh viện Đa khoa MedUni Vienna (Áo), thành viên của nhóm nghiên cứu quốc tế này, giải thích rằng thuốc Ipilimumab là một kháng thể IgG1 đơn dòng, có hoạt tính chống lại phân từ CTLA-4, vốn có chức năng kiểm soát hệ miễn dịch. Tế bào ung thư trốn tránh hệ thống miễn dịch để tồn tại bằng cách vô hiệu hóa CTLA-4. Thuốc này có tác dụng gỡ bỏ sự "cầm tù" đối với CTLA-4, từ đó giúp hệ miễn dịch đủ sức mạnh tự đánh bại các tế bào ung thư.
Đây là một nghiên cứu lâm sàng giai đoạn 3 và đã cho kết quả hoàn toàn mỹ mãn. Việc có thể tận dụng một thuốc sẵn có đem lại rất nhiều lợi ích trong điều trị bởi bệnh nhân có nhiều cơ hội tiếp cận với nó hơn, thuốc có thể được ứng dụng mà không phải trải qua quá nhiều thử nghiệm tốn kém và lâu dài như một thuốc mới.
Theo thống kê của Anh Quốc, ung thư tuyến tiền liệt là một trong những dạng ung thư phổ biến nhất ở nam giới, 1/8 dân số có thể gặp phải nó ít nhất một lần trong đời. Ngoài các biến chứng ảnh hưởng lớn đến cuộc sống như rối loạn cương dương, tiểu không tự chủ, nó còn là một căn bệnh "sát thủ", ước tính đã gây ra 11.800 cái chết mỗi năm chỉ tại Anh.