Theo Medical Xpress, nghiên cứu mới do hệ thống y tế Mass General Brigham (Mỹ) thực hiện cho thấy việc sử dụng aspirin có thể giúp giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng ở những người có nhiều yếu tố nguy cơ.
Aspirin có tiềm năng giảm nguy cơ phát triển ung thư đại trực tràng ở những người có nhiều yếu tố rủi ro - Ảnh: MEDICAL XPRESS
"Chúng tôi tìm cách xác định những cá nhân có nhiều khả năng hưởng lợi từ aspirin để tạo điều kiện cho các chiến lược phòng ngừa được cá nhân hóa hơn" - TS Andrew Chan, đồng tác giả cấp cao từ Trung tâm Ung thư Mass General và Trung tâm Ung thư đại trực tràng ở người trẻ thuộc Bệnh viện Đa khoa Massachusetts (Mỹ), cho biết.
Các tác giả đã phân tích dữ liệu sức khỏe của hơn 107.000 người Mỹ, được thu thập bởi một cuộc khảo sát quốc gia.
Họ so sánh tỷ lệ ung thư đại trực tràng ở những người dùng aspirin thường xuyên với những người không dùng aspirin thường xuyên.
Sử dụng aspirin thường xuyên được định nghĩa là 2 hoặc nhiều viên liều chuẩn (325 mg) mỗi tuần hoặc aspirin liều thấp (81 mg) hàng ngày.
Những người này dùng loại thuốc này thường do bác sĩ chỉ định nhằm điều trị một vấn đề sức khỏe khác.
Qua 10 năm theo dõi, tỉ lệ mắc ung thư đại trực tràng tích lũy ở những người thường xuyên dùng aspirin thấp hơn 33% so với người không hoặc hiếm khi sử dụng thuốc này.
Lợi ích này tăng lên 40% đối với những người có nhiều yếu tố lối sống thiếu lành mạnh nhất, tức có nguy cơ phát triển ung thư cao nhất.
Ngược lại, lợi ích không nhiều ở những người sống lành mạnh nhất, đơn giản là vì nhóm này vốn đã tự cắt giảm nguy cơ phát triển ung thư mặc dù có các yếu tố rủi ro khác, nên tỉ lệ mắc bệnh cũng thấp.
Các nghiên cứu trước đây đã tìm thấy bằng chứng cho thấy aspirin có thể làm giảm sản xuất protein gây viêm prostaglandin, có thể thúc đẩy sự phát triển của ung thư.
Aspirin cũng có thể chặn các con đường truyền tín hiệu khiến tế bào phát triển ngoài tầm kiểm soát, ảnh hưởng đến phản ứng miễn dịch chống lại tế bào ung thư và ngăn chặn sự phát triển của các mạch máu cung cấp chất dinh dưỡng cho tế bào ung thư.
Như vậy, các kết quả vừa được công bố trên tạp chí y học JAMA Oncology cho thấy aspirin có tiềm năng lớn trong việc giảm rủi ro phát triển ung thư đại trực tràng ở các đối tượng nguy cơ cao.
Tất nhiên, sẽ cần thêm các thử nghiệm nhằm tìm ra phác đồ phù hợp để đạt hiệu quả cao nhất cũng như giảm nguy cơ tác dụng phụ của aspirin, mà phổ biến nhất là loét dạ dày.
Bệnh nhân cũng cần có sự chỉ định của bác sĩ khi sử dụng loại thuốc này với các mục đích liên quan đến bệnh ung thư.
Theo thống kê toàn cầu được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố đầu năm 2024, ung thư đại trực tràng là loại ung thư xếp hàng thứ ba về mức độ phổ biến (sau ung thư phổi và vú) và hàng thứ hai về số ca tử vong (chỉ sau ung thư phổi).