Dạ dày và ruột là các cơ quan chuyển hóa thức ăn thành chất dinh dưỡng cần thiết để duy trì hoạt động trong cơ thể. Một khi chức năng tiêu hóa hoạt động kém sẽ khiến khả năng miễn dịch và sức đề kháng suy giảm, từ đó cơ thể dễ sinh bệnh.
Hệ tiêu hóa bị tổn thương thường do thói quen sinh hoạt và ăn uống hàng ngày mà ít ai để ý đến. Nếu không sớm thay đổi, chúng có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.
Để hệ tiêu hóa luôn khỏe mạnh, cần duy trì thói quen 3 “từ chối”, 4 “kiên trì”sau đây:
3 “từ chối” gồm:
1. Đồ cay nóng
Thực phẩm cay nóng luôn là vấn đề của những người mắc bệnh về dạ dày, thậm chí người có đường tiêu hóa khỏe mạnh cũng nên hạn chế ăn. Các loại thực phẩm này có thể kích thích niêm mạc dạ dày gây viêm loét, dẫn đến ung thư nếu tiếp tục duy trì.
Không những thế, người bình thường khi ăn quá nhiều sẽ bị nóng trong người với các triệu chứng như lở miệng, nổi mụn và nóng rát cổ họng.
2. Thực phẩm sống, đông lạnh
Người có chức năng tiêu hóa kém cần tránh ăn những loại thực phẩm lạnh hoặc chưa nấu chín vì chúng kích thích gây tiêu chảy. Ngoài ra, thực phẩm sống như hải sản nếu không được chế biến kỹ sẽ là nguồn lây nhiễm ký sinh trùng khiến tình trạng bệnh nặng hơn.
3. Rượu bia, thuốc lá
Thuốc lá hay rượu bia đều có tác hại rất lớn đến chức năng tiêu hóa. Theo các chuyên gia, uống nhiều rượu bia sẽ làm phá hủy niêm mạc dạ dày, tăng tiết dịch acid và gây viêm loét. Đối với những người đang mắc bệnh dạ dày, rượu bia chỉ làm vết thương trầm trọng hơn, dẫn tới xuất huyết hay thậm chí là ung thư.
Trong khi đó, chất nicotin trong thuốc lá lại tiềm ẩn nguy cơ gây viêm loét, làm giảm lưu lượng máu ở dạ dày và ngăn chặn quá trình hình thành tế bào mới.
4 “kiên trì” gồm:
1. Uống trà
Để có một hệ tiêu hóa khỏe mạnh, bạn có thể uống trà với một số loại thảo mộc, chúng không những có tác dụng thúc đẩy nhu động đường tiêu hóa mà còn hỗ trợ cơ thể trong quá trình giải độc. Các loại trà có tác dụng chống viêm và giảm đau như trà xanh, trà gừng hay trà nghệ đều giúp cải thiện sức khỏe.
2. Tuân thủ chế độ ăn hợp lý
Chế độ ăn uống hàng ngày liên quan mật thiết đến sức khỏe đường tiêu hóa bởi nếu không ăn đúng giờ và đủ chất, dạ dày sẽ sinh bệnh. Vì vậy, bạn nên chú ý ăn đầy đủ các chất, tuyệt đối không nên ăn quá trễ để dạ dày kịp thời tiêu hóa.
3. Cân bằng giữa công việc và nghỉ ngơi
Việc thức khuya với công việc nhiều khiến tế bào niêm mạc dạ dày không thể tái tạo và phục hồi, đồng thời làm tăng tiết dịch dạ dày gây viêm loét. Do đó, tuy bận rộn đến đâu, bạn cũng nên có một chế độ nghỉ ngơi hợp lý.
4. Vận động
Tập thể dục phù hợp là phương pháp để duy trì sức khỏe đường tiêu hóa hiệu quả. Các hoạt động như đi bộ nhanh, chạy bộ hay chơi bóng có tác dụng thúc đẩy nhu động đường tiêu hóa và đẩy nhanh quá trình trao đổi chất. Đối với nhân viên văn phòng, ngoài việc uống nước hay đi vệ sinh, hãy dành ít phút đứng dậy để hoạt động nhẹ nhằm hạn chế nguy cơ mắc bệnh trĩ.
Source (Nguồn): QQ, Eatthis, Haydenhealth, Everydayhealth, Realsimple. Ảnh: Pinterest