1. Ăn thực phẩm có rong biển
Chế độ ăn uống của người Nhật có đầy đủ các loại thực phẩm bổ dưỡng từ thực vật và rong biển là một ví dụ điển hình. Thực phẩm này xuất hiện trong bữa ăn của người Nhật dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng đều giàu khoáng chất như iot, đồng, sắt cũng như các chất chống oxy hóa, protein, chất xơ và các cặp chất béo omega-3 có lợi cho cơ thể.
Ngày nay, bạn dễ dàng tìm mua được rong biển ở các cửa hàng thực phẩm và siêu thị. Bạn có thể ăn snack rong biển thay cho các đồ ăn vặt khác như bánh quy hay khoai tây chiên, vừa ngon lại tốt cho cơ thể.
2. Ăn hải sản hợp lý
Người Nhật rất yêu thích hải sản. Chế độ ăn trung bình của người Nhật có khoảng 85g hải sản mỗi ngày, tương đương với gần 31 kg/năm trong khi 1 năm người Mỹ chỉ ăn khoảng 7,12 kg hải sản. Cá và động vật có vỏ chứa nhiều protein và ít chất béo bão hòa. Mặc dù mỗi loại hải sản đều có hàm lượng omega-3 khác nhau nhưng tất cả đều mang đến các chất dinh dưỡng vô cùng quan trọng. Chế độ ăn hải sản 2 lần/tuần không chỉ tốt cho tim mạch mà còn giúp não bộ và cảm xúc được duy trì tốt hơn.
3. Uống trà xanh thường xuyên
Có thể nói, trà xanh là một trong những thức uống tốt cho sức khỏe và trà xanh không đường lại càng tốt hơn. Ở Nhật, người dân uống trà xanh như một thói quen, bởi thức uống này rất giàu chất chống oxy hóa polyphenolic, có thể làm giảm viêm, bảo vệ tế bào khỏi tổn thương, nuôi dưỡng các vi khuẩn có lợi trong đường ruột.
4. Chỉ ăn no 80%
Ở Nhật có câu nói “hara hachi bu”, nghĩa là “chỉ ăn đến khi no 80%”. Với tâm lý này, bạn có thể ăn mọi thứ mình thích, phục vụ đủ nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể mà không lo ăn quá nhiều, dẫn đến đầy hơi, chướng bụng hay khó tiêu.
Nếu bạn muốn kiểm soát chế độ ăn của mình, bạn cần bắt đầu bằng cách điều chỉnh tín hiệu đói và no của cơ thể. Hãy tự hỏi bản thân khi bắt đầu một bữa ăn: “Mình đói đến mức nào?”. Việc này có thể giúp bạn ước lượng được khoảng thức ăn cần nạp vào cơ thể. Trong bữa ăn, hãy tự hỏi: “Mình có thích món này nhiều như lúc đầu không?” hoặc “Mình có muốn ăn thêm vài miếng nữa hay không?”.
Ngoài ra, ăn chậm cũng là một phương pháp hay. Tập trung vào ăn uống, gạt hết tất cả những thứ gây xao nhãng, không cần thiết sang một bên sẽ giúp dinh dưỡng được hấp thu hiệu quả.
5. Gần gũi với thiên nhiên
Người Nhật thường hay nói “shinrin-yoku”, có nghĩa là “hấp thụ bầu không khí trong lành của rừng núi”. Đây là một phương thuốc tự nhiên cải thiện tâm trạng và sức khỏe hiệu quả. Khi ở trong thiên nhiên, con người tập trung mọi giác quan, cảm nhận được cái nắng, cái gió của thời tiết lướt trên làn da của mình. Được quan sát cỏ cây, nghe tiếng lá reo xào xạc… Việc dùng mọi giác quan để cảm nhận thiên nhiên giúp cơ thể và tâm trí được thư giãn tối đa, tương tự như đang thực hành thiền định.
Nếu khu bạn sống không có rừng núi thì cảm nhận thiên nhiên ngoài công viên cũng là ý tưởng không tồi. Theo các nghiên cứu khoa học, hạnh phúc và sự hài lòng trong cuộc sống của mọi người sẽ được cải thiện sau 20 phút thư giãn trong công viên thành phố.
6. Duy trì một vòng kết nối xã hội mạnh mẽ
Duy trì các kết nối xã hội là một phần của văn hóa Nhật Bản. Đây là một trong những lý do tại sao người Nhật tận hưởng sức khỏe thể chất và cảm xúc tốt hơn trong những năm cuối đời. Ở Nhật Bản, sự kết nối xã hội có thể diễn ra theo nhiều cách. Ví dụ, một người trưởng thành có thể sống trong một gia đình nhiều thế hệ. Hơn nữa, việc người cao tuổi làm thêm việc trong quá trình nghỉ hưu không phải là hiếm có.
Một trong những hình thức tham gia kết nối xã hội mang tính bảo vệ cao nhất là “moai” – hình thức của các câu lạc bộ ở Okinawa. Trong nhóm này, mọi người đều quan tâm và hỗ trợ lẫn nhau. Không chỉ là hỗ trợ về vấn đề cảm xúc, mà thậm chí còn là hỗ trợ tài chính khi cần thiết. Chính vì vậy, mọi người trong nhóm luôn biết mình không đơn độc, có thể dựa vào nhau và sống hạnh phúc đến cuối đời.