Mướp đắng từ lâu đã là một món ăn quen thuộc được người Việt yêu thích. Đây là món được nhiều người lựa chọn để giảm cân và giải nhiệt ngày hè.
Theo lương y Bùi Đắc Sáng, trong Đông y, mướp đắng có vị đắng, tính mát, công dụng giải nhiệt, tiêu đờm, sáng mắt, mát máu, nhuận tràng, nhuận tỳ, bổ thận, nuôi can huyết, lợi niệu, trừ nhiệt độc, chống mệt mỏi.
Còn theo nghiên cứu khoa học, chất glycoside trong mướp đắng có tác dụng giảm đường trong máu, chữa trị bệnh tiểu đường và điều chỉnh cholesterol trong máu ở mức ổn định. Thường xuyên ăn mướp đắng không chỉ giúp giảm mỡ hiệu quả mà còn ngăn ngừa nhiều bệnh tật như trị rôm sảy, viêm họng, cao huyết áp, tiểu đường, xơ vữa động mạch, kháng ung thư...
Bằng nhiều cách khác nhau, người ta có thể chế biến thành các món ăn ngon lành, giúp thanh nhiệt, giải độc. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các chuyên gia, không nên ăn quá 2 quả mướp đắng trong 1 ngày và quá 4 lần/1 tuần. Việc ăn nhiều mướp đắng, cơ thể chịu ảnh hưởng nhất là đường tiêu hóa, đặc biệt là dạ dày.
Tuyệt đối không ăn hay uống nước ép mướp đắng khi đói bụng. Thời điểm tốt nhất để bổ sung mướp đắng là trong hoặc sau bữa ăn.
Ngoài ra, những nhóm người có dấu hiệu sau đây tốt nhất nên kiêng mướp đắng:
Người bị đau đầu
Mướp đắng có hai đặc tính không tốt với người hay bị đau đầu, đó là nó có chứa charantin, polypetid – P; đây là những hợp chất làm giảm đường huyết vì chúng hạn chế dung nạp glucose, có thể hỗ trợ điều trị tiểu đường và cao huyết áp, nhưng cũng là nguyên nhân gây đau đầu nếu bị hạ huyết áp. Bên cạnh đó, thành phần vicine trong hạt mướp có thể gây ngộ độc, biểu hiện là đau đầu, co thắt vùng bụng hoặc có thể hôn mê nhẹ.
Người mang thai và cho con bú
Mướp đắng rất ít chất xơ và chất béo nên không có lợi cho chế độ dinh dưỡng của bà bầu và phụ nữ sau sinh. Ngoài ra, việc ăn mướp đắng có thể gây giảm đường huyết.
Bên cạnh đó, chúng cũng là một loại quả kích thích tử cung, gây chảy máu và có thể dẫn đến sinh non. Phụ nữ đang cho con bú cũng không nên ăn mướp đắng vì một số thành phần không tốt có thể được truyền qua sữa mẹ.
Người mắc bệnh gan, thận
Người bị bệnh về gan và thận được khuyến cáo không nên ăn mướp đắng vì chúng rất khó tiêu hóa, có thể gây đầy hơi. Những người bị thiếu men G6PD (loại men có vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa của tế bào hồng cầu) nên tránh xa loại rau có vị đắng này.
Người phải phẫu thuật
Nhiều chuyên gia cho rằng mướp đắng có thể cản trở quá trình kiểm soát lượng đường huyết trong và sau khi phẫu thuật. Bởi vậy, tốt nhất là bạn nên ngừng ăn mướp đắng ít nhất 2 tuần trước và sau thời gian phẫu thuật dự kiến.
Người tiêu hóa kém
Ăn mướp đắng sẽ khiến dạ dày phải hoạt động nhiều hơn, gây tình trạng quá tải. Với người hay bị lạnh bụng cũng không nên ăn nhiều vì sẽ tạo gánh nặng cho đường tiêu hóa. Nếu vẫn muốn ăn, hãy kết hợp hài hòa và điều độ với thực phẩm khác để đem lại hiệu quả như mong muốn.
Cách chọn và phân biệt mướp đắng ăn và làm thuốc
Với mướp đắng rừng
Trái nhỏ, ngắn, hơi tròn, nhiều gai xếp dày đặc, có màu xanh đậm, thịt quả ít nhưng hạt nhiều, được trồng chủ yếu ở khu vực rừng núi. Chúng có vị rất đắng nên thường được dùng với mục đích chữa bệnh hơn là nấu ăn.
Với mướp đắng đèo
Đây là cách gọi cho các loại mướp đắng nhà trồng, không phun thuốc hay bón phân, vỏ xù xì, gai dày, trái săn và có màu xanh đậm. Trái to cỡ bàn tay và có vị đắng ngang ngửa mướp đắng rừng.
Mướp đắng thường
Quả to, gai quả nở thành các múi lớn, thân quả bóng mượt, có màu xanh sáng nhạt hơn mướp đắng rừng hoặc có màu xanh đậm như mướp đắng rừng nhưng thân quả dài, to hơn hẳn, múi gai nhỏ, dày đặc. Mướp đắng thường thì quả xanh nhạt sẽ ít đắng hơn quả có màu xanh đậm.
Lưu ý: Nên ngâm mướp đắng trong nước muối khoảng 10-15 phút để làm sạch và giảm bớt vị đắng. Không nên chọn những quả mướp đắng màu xanh mướt, đậm, thân phình to, láng bóng vì có thể chúng đã được bón nhiều đạm, chất kích thích sinh trưởng.